Các 'ông lớn' doanh thu tốt, ngành dầu khí 'ăn nên làm ra' năm 2022

DẦU KHÍ Việt nAM
08:10 - 07/02/2023
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022 chứng kiến những biến động mạnh của giá dầu, giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng, đẩy lợi nhuận hầu hết các doanh nghiệp ngành dầu khí lên mức kỷ lục.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến hết ngày 5/2, đã có 1.029 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với doanh thu của 1.029 doanh nghiệp nói trên là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Các doanh nghiệp trên HoSE có doanh thu tăng 5,3%, HNX tăng 13,7% và UPCoM đi lên 7,5%.

Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 7 doanh nghiệp có doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng trong năm 2022, bao gồm Petrolimex, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV OIL, PV GAS, Thế Giới Di Động, Hòa Phát và Vingroup.

Theo đó, nhóm dầu khí góp vào Top 7 bốn cái tên với tổng doanh thu đạt 676.206 tỷ đồng, chiếm 64% tổng doanh thu của 7 tập đoàn doanh thu 100.000 tỷ.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, HoSE: OIL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 24.662 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 285 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của PV Oil đạt 103.729 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2021 và là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 6% về 726 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 3,9%, giảm so với con số của năm 2021 là 5,5%.

Năm 2022, PV Oil đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021. Với kết quả trên, PV Oil đã vượt 130% kế hoạch doanh thu và vượt 182% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Tuy nhiên, với kết quả lợi nhuận 726 tỷ đồng trong năm 2022, PV Oil vẫn chưa thể xóa hết lỗ lũy kế. Tính đến hết năm 2022, PV Oil vẫn còn lỗ lũy kế 436 tỷ đồng.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HOSE: GAS) ghi nhận 22.052 tỷ doanh thu thuần quý 4/2022, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ các chi phí, PV Gas lãi sau thuế 3.337 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải trình về kết quả kinh doanh quý 4/2022, PV Gas cho biết, giá dầu Brent bình quân quý này là 88,71 USD/thùng, tăng 8,97 USD/thùng so với cùng kỳ, tức tăng 11% khiến lợi nhuận khí khô tăng tương ứng.

Sản lượng khí khô tiêu thụ tăng 27% so với cùng kỳ. Sản lượng LPG tiêu thụ tăng 16% và condensate tăng 48% làm doanh thu của PV Gas tăng tương ứng.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PV Gas đạt hơn 100.723 tỷ, lợi nhuận sau thuế 15.062 tỷ, lần lượt tăng 28% và tăng 70% so với năm 2021 và là mốc kỷ lục của tổng công ty kể từ khi thành lập đến nay. Trung bình, PV Gas đã lãi hơn 1,25 nghìn tỷ đồng mỗi tháng trong năm vừa qua.

Năm 2022, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng (kế hoạch này đề ra dựa trên phương án giá dầu bình quân 60 USD/thùng). Như vậy, với việc giá dầu neo ở mức cao hơn dự kiến, PV Gas đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và vượt 113% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ghi nhận 78.383 tỷ đồng doanh thu thuần quý 4/2022, tăng 59% so với cùng kỳ. Với hơn 50% thị phần trong nước, phần lớn mức tăng doanh thu kể trên của nhà bán lẻ này đến từ mảng kinh doanh xăng dầu.

Doanh thu hoạt động tài chính của Petrolimex trong quý 4 cũng tăng gấp 3,17 lần, lên mức 920 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng lên mức 560 tỷ đồng, các chi phí bán hàng tăng 34%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ 2021.

Sau khi khấu trừ các chi phí, Petrolimex ghi nhận lãi sau thuế đạt 1.414 tỷ đồng trong quý 4/2022, tăng 102% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 1.168 tỷ, gấp gần 2 lần quý 4/2021. Biên lợi nhuận gộp quý này là 5,47%.

Lũy kế cả năm 2022, Petrolimex đạt 304.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80% song lãi sau thuế giảm hơn 39% còn 1.912 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch doanh thu 240.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, Petrolimex đã vượt gấp 7,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận và vượt 27% kế hoạch doanh thu.

CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR) cũng đã công bố BCTC quý 4/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 40.430 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý hoạt động tài chính mang về 648 tỷ đồng doanh thu - cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.498,6 tỷ đồng – giảm 44,4% so với quý 4/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 167.123 tỷ đồng – tăng 65% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 14.450 tỷ đồng - tăng 115% so với năm 2021. Năm 2022, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu 91.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng, theo đó kết thúc năm 2022, BSR đã hoàn thành vượt 82% mục tiêu về doanh thu và cao gấp hơn 11 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Giá dầu biến động mạnh kéo lợi nhuận ngành

Trong đó, PV OIL, PV GAS và Lọc hóa dầu Bình Sơn đều có chung công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2022, PVN vẫn duy trì được mức sản lượng khai thác dầu trong nước như năm 2021, ngăn chặn được đà suy giảm sản lượng tự nhiên trung bình hằng năm là 15 - 20% và thực tế suy giảm sản lượng dầu trong nước giai đoạn 2016 -2021 là 9,8%/năm.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, vượt 2,1 triệu tấn, tương đương vượt 24% so với kế hoạch năm và ngang bằng mức thực hiện năm 2021. Khai thác dầu ở nước ngoài cũng vượt 9,2% kế hoạch năm và vẫn giữ mức tương đương thực hiện năm 2021.

Kết quả, PVN ghi nhận doanh thu 931.200 tỷ đồng và lãi hợp nhất trước thuế trên 82.000 tỷ đồng - cao nhất trong 61 năm phát triển ngành dầu khí.

Năm 2022 đã chứng kiến những biến động mạnh của giá dầu, giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng. Dòng chảy dầu khí trên thế giới được tái định hướng do tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Cụ thể, mức giá dầu Brent trung bình đã đạt 101 USD/thùng, tăng 27,5 USD/thùng - tương đương tăng khoảng 37,4% so với mức giá dầu trung bình 73,5 USD/thùng trong năm 2021. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí đều ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục.

Ngành dầu khí 2023: Triển vọng tươi sáng

Báo cáo ngành dầu khí mới nhất của CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, mặc dù bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng do USD mạnh hơn, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và khủng hoảng Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, nhưng nhóm phân tích vẫn cho rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 nhờ lệnh cấm vận của EU sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm trong năm 2023, và OPEC+ phát đi tín hiệu rằng nhóm sẽ luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu.

Do đó, VNDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình khoảng 90 USD/thùng (tương đương 2 triệu VND), giảm 10% trong năm 2023.

Thêm vào đó sẽ có cơ hội tăng trưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí do giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, VNDirect cho rằng nhu cầu đối với các dịch vụ dầu khí sẽ tăng dần trong những năm tới.

Ngoài ra, Luật Dầu khí sửa đổi hứa hẹn sẽ giúp thu hút đầu tư vào phân khúc thượng nguồn tại Việt Nam. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng một số dự án Thăm dò & Khai thác (E&P) như Lô B, Nam Du – U Minh và Kình Ngư Trắng sẽ có khả năng khởi động trong vòng hai năm tới, trước hết sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí (EPC, khoan) trong những năm nay

Đối với doanh nghiệp phân phối xăng dầu, VNDirect dự báo các doanh nghiệp sẽ có năm 2023 tích cực hơn, tiềm năng phục hồi mạnh của các doanh nghiệp phân phối lớn từ mức nền thấp năm 2022 và nhờ giá dầu thế giới dự kiến ổn định, tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa, chi phí định mức được điều chỉnh sát với thị trường và đặc biệt nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5,5% giai đoạn 2022 - 2030.

Đáng chú ý, VNDirect cũng cho rằng các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil có thể có thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng bị loại khỏi thị trường sau năm 2022 đầy khó khăn.

Đọc tiếp