Được công bố hàng năm kể từ 1990, danh sách “10 khám phá khảo cổ mới hàng đầu” của Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc được sử dụng để ca ngợi và vinh danh các dự án khảo cổ nổi bật nhất trong số các dự án đã diễn ra trong năm.
Theo China Daily, danh sách 10 dự án hàng đầu của năm 2022 đã được lựa chọn từ 22 dự án lọt vào vòng chung kết thông qua các lá phiếu của hội đồng giám khảo có tổng cộng 21 người gồm các học giả hàng đầu Trung Quốc. Những dự án này chính là những ví dụ nổi bật của gần 1.700 dự án khảo cổ được tiến hành trên toàn quốc gia này trong năm 2022.
1. Di tích Xuetangliangzi, Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc
Tại di chỉ này, các nhà khoa học đã tìm thấy một hộp sọ của người Homo erectus – một người anh em khác loài với loài người hiện đại Homo sapiens và đã tuyệt chủng – có niên đại được ước tính khoảng 1 triệu năm trước. Thêm vào đó, hóa thạch này cũng ở trong điều kiện vô cùng nguyên vẹn và được coi như hóa thạch Homo erectus được bảo tồn tốt nhất từng được phát hiện tại vùng nội địa của lục địa Á – Âu.
Vốn hầu hết hóa thạch những loài người cổ đại, ngay cả những loài chỉ mới tuyệt chủng cách đây vài chục nghìn năm đều rất khó tìm hoặc chỉ xuất hiện các mảnh vỡ nhỏ. Do đó, việc phát hiện ra một hộp sọ nguyên vẹn có niên đại 1 triệu năm có thể coi như một bảo vật của ngành khảo cổ học.
Với phát hiện vĩ đại này, các nhà khoa học có thể tìm kiếm ra được nhiều manh mối quý giá về sự tiến hóa của loài người cũng như mối liên hệ giữa Homo sapiens và Homo erectus.
Các hiện vật tìm được tại di tích Zhaojiaxuyao tại Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
2. Di tích Zhaojiaxuyao, Truy Bác, tỉnh Sơn Đông
Việc phát hiện ra di tích này đã gây bất ngờ cho các nhà khảo cổ khi đó đang trong quá trình khai quật một ngôi mộ được cho là có niên đại từ thời Chiến Quốc (475-221 TCN) và nhà Hán (206 TCN-220 SCN), ở Lâm Truy, huyện Truy Bác, tỉnh Sơn Đông.
Kết quả các cuộc khai quật và nghiên cứu sau đó cho thấy đây từng là địa điểm hoạt động của con người trong thời gian xa xưa hơn nhiều, ước tính khoảng từ 15.000 tới 11.000 năm trước. Các chuyên gia đã tìm thấy tàn tích của 3 lò sưởi và xung quanh chúng là hơn 1.000 hiện vật chủ yếu là xương động vật. Ngoài ra còn có các mảnh gốm, các sản phẩm bằng đá và vỏ sò.
Phát hiện này đóng vai trò quan trọng do nó đưa ra các quan điểm mới đối với việc nghiên cứu về nguồn gốc nông nghiệp ở Đông Á cũng như thời kỳ chuyển tiếp từ thời kỳ đồ đá cũ sang thời kỳ đồ đá mới ở Bắc Trung Quốc và thậm chí cả Đông Bắc Á nói chung.
Các cổ vật tại di tích Bicun, Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
3. Di tích Bicun, quận Xingxian, tỉnh Sơn Tây
Là một trung tâm khu vực vào thời đó, các tàn tích của thành phố thời tiền sử từ 2.200 TCN tới 1.700 TCN đánh dấu biên giới của một cường quốc trong khu vực và có lẽ đóng một vai trò quan trọng trong một hệ thống phòng thủ phức tạp.
Các cổng thành của di tích Bicun cũng là một trong những tàn tích thời tiền sử được bảo tồn tốt nhất và được thiết kế tinh xảo nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc. Ngoài ra, những kiến trúc này cũng thể hiện khả năng huy động và điều phối các nguồn lực xã hội mạnh mẽ.
Mạng lưới giao thông tại di tích Nhị Lý Đầu, Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
4. Mạng lưới đường giao thông tại di tích Nhị Lý Đầu, Lạc Dương, tỉnh Hà Nam
Nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây chỉ ra rằng địa điểm này là kinh đô cuối cùng của nhà Hạ (khoảng thế kỷ 21-16 TCN), triều đại trung ương thống nhất đầu tiên được ghi lại trong lịch sử Trung Quốc.
Nhờ mạng lưới đường giao thông chằng chịt này, thành phố được chia thành các mạng lưới với nhiều lĩnh vực chức năng khác nhau. Bố cục đô thị này đã đặt nền móng quan trọng cho các hệ thống và nền văn minh Trung Hoa trong các thời kỳ sau này.
Các cổ vật tìm được trong lăng mộ hoàng gia tại tàn tích Yinxu. Ảnh: China Daily |
5. Tàn tích Yinxu, An Dương, tỉnh Hà Nam
Được tìm thấy lần đầu tiên vào những năm 1920, tàn tích Yinxu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với tư cách là nơi xuất phát của giáp cốt văn – những ký tự được chạm khắc lâu đời nhất của Trung Quốc trên các mảnh xương hoặc mai rùa thuộc thời nhà Thương (thể ký 16 đến thế kỷ 11 TCN)
Những phát hiện về tàn tích Yinxu đã định hình lại cách hiểu trước đây của các nhà khoa học về khu vực lăng mộ hoàng gia của kinh đô nhà Thương và bức tranh toàn cảnh về lịch sử triều đại này.
Di tích Xitou tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
6. Di tích Xitou, Tuần Ấp, tỉnh Thiểm Tây
Việc phát hiện ra những cùng các tàn tích khác như một địa điểm nung đồng và nghĩa địa đã cung cấp những dữ liệu quan trọng giúp giải mã nguồn gốc và sự phát triển ở giai đoạn đầu của nền văn minh nhà Chu.
Các nhà khảo cổ đã xác định được tàn tích của những con đường và lối đi, nền móng kiến trúc, hoạt động luyện đồng và kho thóc tại tàn tích về thành phố cổ từ thế kỷ 11 đến năm 771 TCN này. Các phát hiện cung cấp manh mối về quy mô của khu định cư và cách thức quản lý cũng như phân bổ tài nguyên.
Một phát hiện quan trọng khác tại địa điểm này là nghĩa địa của quý tộc trong thành, được tiết lộ qua cấu trúc của các ngôi mộ và một số đồ vật chôn cất cùng. Những phát hiện này cung cấp những tài liệu tham khảo quan trọng giúp giải mã nguồn gốc và sự phát triển ở giai đoạn đầu của nền văn minh nhà Chu.
Cổ vật khai quật từ quần thể mộ địa Dashognshan, Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
7. Quần thể mộ địa Dasongshan, tỉnh Quý Châu
Quần thể này tồn tại từ thời Tây Tấn (265-317) đến triều Minh (1368-1644). Việc phát hiện ra nó đã giúp đưa ra một chuẩn mực cho các nghiên cứu khảo cổ về khu vực Quý Châu và mở ra bức tranh toàn cảnh về cuộc sống hàng ngày của các nhóm dân tộc khác nhau ở Tây Nam Trung Quốc trong suốt 1.400 năm.
Sự đa dạng của các đồ vật trong tang lễ là bằng chứng cho sự bùng nổ thương mại và liên kết văn hóa giữa các cộng đồng ở Quý Châu và các cộng đồng ở đồng bằng Trung Quốc.
Phế tích đền Guchengcun tại Cát Lâm, Trung Quốc từ thế kỷ 5. Ảnh: China Daily |
8. Phế tích đền Guchengcun, Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm
Những phát hiện mới về phế tích có từ thế kỷ 5 này đã đóng góp lớn vào các nghiên cứu về văn hóa Phật giáo ở hai quốc gia là Cao Câu Ly và Bột Hải.
Di tích cầu Chu Kiều và phế tích kênh Biện Hà, Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
9. Di tích cầu Chu Kiều và phế tích kênh Biện Hà, Khai Phong, tỉnh Hà Nam
Những phát hiện mới đã làm sáng tỏ nghiên cứu về lịch sử đô thị của thủ đô thời Bắc Tống (968 – 1127), đồng thời thể hiện một góc nhìn về nghệ thuật của thời nhà Tống và nhà Minh tại Trung Quốc.
Cảng cổ Shoumen ở Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc là một địa điểm thuộc Con đường tơ lụa thời cổ đại. Ảnh: China Daily |
10. Di tích cảng cổ Shuomen, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang
Những phát hiện mới tại khu di tích cảng cổ Shuomen ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, cho thấy quang cảnh một cảng thịnh vượng dưới triều đại nhà Tống và nhà Nguyên (1271-1368). Thời Tống và Nguyên chứng kiến đỉnh cao thương mại hàng hải của Trung Quốc cổ đại, và Ôn Châu từng là một địa điểm quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển cổ đại.
Theo Liang Yanhua, giám đốc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Ôn Châu, những phát hiện tại cảng cổ Shoumen cung cấp bằng chứng quan trọng chứng minh Ôn Châu từng là cảng xuất khẩu men ngọc bích Long Tuyền được sản xuất tại Lò nung Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang. Từ thời Nam Tống (1127-1279) đến giữa thời nhà Minh (1368-1644), men ngọc Long Tuyền đóng một vai trò quan trọng trong số đồ sứ bán ra nước ngoài, và được gọi là mặt hàng đầu tiên có sức hấp dẫn toàn cầu từ Trung Quốc trước thời đại khám phá.
Ôn Châu trở thành một trung tâm phân phối chính và là điểm xuất phát vận chuyển men ngọc Long Tuyền đến các quốc gia khác, được chứng minh bằng các di tích bến tàu và nhiều mảnh sứ được phát hiện tại đây.