Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây ký phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) quốc gia đến năm 2025, trong đó nội dung được chú trọng là việc cần lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tinh thần đó, với sự trợ giúp kỹ thuật của UNDP, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đã ban hành thông tư số 10, thay thế cho Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT trước đây, với những điểm mới mang tính thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
Chia sẻ về tầm quan trọng của Thông tư mới tại Hội thảo phổ biến Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội, ngày 7/4, ông Trần Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KHĐT cho biết, những thay đổi, bổ sung trong Thông tư số 10 nói trên nhằm tập trung xử lý những bất cập, vướng mắc đang phát sinh trong quá trình triển khai Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT.
Đồng thời, thông tư mới sẽ cập nhật các văn bản pháp lý đã được thay đổi như Luật Đầu tư công năm 2019. Đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định tại thông tư để phù hợp thực tế hơn.
“Thông tư mới cũng chỉ rõ bản chất, nội dung và quy trình thực hiện sát hơn với lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; hướng dẫn cụ thể hơn cách thức lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai để sử dụng lồng ghép. Điều này giúp các bộ, ngành và địa phương có đủ cơ sở, không bị lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai”.
Trong nội dung của Thông tư 10, các biện pháp phòng chống thiên tai được lựa chọn để lồng ghép bao gồm: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ thiên tai; biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng chống thiên tai.
Là một trong những tỉnh miền Trung thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai khác nhau gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, đại diện Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong các năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai diễn biến bất thường và có chiều hướng cực đoan trái quy luật diễn ra trên toàn cầu.
Trong Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh rất chú trọng lồng ghép các nội dung về phòng chống thiên tai vào quy hoạch.
"Định hướng phát triển rừng trồng, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch khai thác, nuôi trồng trên vùng đầm phá tam Giang - Cầu Hai, quy hoạch sử dụng đất dọc bờ biển, phát triển không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên, phát triển hệ thống giao thông và thủy lợi khu vực ven bờ biển, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh”, đại diện Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.
Trong khi đó, để chủ động quản lý được những tác động của thiên tai đến phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, đại diện UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giai đoạn 2021-2026, đồng thời phê duyệt kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
“Tại thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm và 5 năm, thực hiện tốt việc này sẽ giúp giải quyết được một số các các vấn đề quan trọng trong việc giảm rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng địa phương, các cơ sở hạ tầng”.
Đánh giá về những biện pháp lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, các giải pháp thực tế nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.