Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022

XUẤT KHẨU Việt nAM
15:51 - 18/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, tính theo thị trường đơn lẻ thì Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong lần lượt là 5 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 250 tỷ USD hàng hóa, trong đó có tới 60% thị phần thuộc về 5 thị trường lẻ lớn nhất. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đạt 77 tỷ USD, Trung Quốc đạt 35,6 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 16,7 tỷ USD, Nhật Bản đạt 15,8 tỷ USD và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 7,3 tỷ USD.

Nếu tính cả thị trường đơn lẻ và khối thị trường, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với trị giá 31,9 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,1 tỷ USD). Đứng thứ 4 là thị trường ASEAN với 23,4 tỷ USD, tăng 27% (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,4 tỷ USD).

Trong nhiều năm qua, 5 thị trường đơn lẻ nói trên luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng đối với thị trường Mỹ, thị trường này đã tăng gần gấp đôi kim ngạch chỉ trong vòng 4 năm, từ 47,5 tỷ USD (năm 2018) lên 96,2 tỷ USD (năm 2021).

Đối với các thị trường khác trong cùng thời gian này, mức tăng trưởng cũng tương đối lạc quan, bao gồm Trung Quốc từ 41,3 tỷ USD lên 55,9 tỷ USD; Hàn Quốc từ 18,2 tỷ USD lên 21,9 tỷ USD; Nhật Bản từ 18,8 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD; Hong Kong từ 7,9 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.

Việc phát triển mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn các năm qua (bao gồm 2 năm đại dịch) có sự đóng góp rất lớn từ ưu đãi thuế quan của các hiệp định như VKFTA, VJEPA… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cũng như gặp cạnh tranh lớn từ các đối thủ.

Trong 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 77 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, có tới 11 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Các mặt hàng điện tử vẫn là các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,1 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 9,2 tỷ USD; tăng trưởng lần lượt đạt 27%, 24% và 48%. Ba mặt hàng trên chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng trưởng lạc quan với mức 22%, đạt 12,8 tỷ USD. Sự tăng trưởng trên diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp dệt may đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao. Trong các tháng cuối năm, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ không còn tươi sáng như các tháng đầu năm.

Với nhóm hàng nông sản, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 8 tháng đầu năm Mỹ là thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam lớn nhất với 9,6 tỷ USD, chiếm 26,4% thị phần kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đối với mặt hàng thủy sản, theo thông tin từ VASEP, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá ngừ, cua ghẹ…

Lạm phát tại Mỹ tăng cao thời gian qua (tháng 7/2022 vẫn ở mức 8,5%) đã khiến lượng chi tiêu cho tiêu dùng của người dân Mỹ giảm dần, đặc biệt trong vấn đề tiêu dùng về thực phẩm ở phân khúc cao. Điều này đã thúc cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ giá rẻ của Mỹ. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến mặt hàng cua của Nga (vốn chiếm 30% thị phần nhập khẩu của Mỹ) giảm đi đáng kể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cua, ghẹ của Việt Nam.

Ngoài vấn đề về chất lượng, biến động thị trường, để tạo thêm cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc tiếp cận các kênh phân phối. Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thị trường phân phối rất phát triển tại Mỹ, tính cạnh tranh rất cao cho nên để tiếp cận thị trường nhanh nhất, doanh nghiệp cần thông qua 4 kênh chính, bao gồm thông qua chuỗi cung ứng các công ty đa quốc gia, đầu mối nhập khẩu, thương mại điện tử và quốc gia thứ 3.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 35,6 tỷ USD, tăng nhẹ 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng công nghiệp đều tăng trưởng tốt, trong đó điện thoại và linh kiện đạt mức cao nhất với 8,9 tỷ USD, tăng 11%. Đứng thứ hai là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD, tăng 15%.

Lĩnh vực nông sản, thủy sản là mặt hàng có tăng trưởng tốt nhất, đạt mức 82% với kim ngạch 1 tỷ USD. Đây cũng là mặt hàng nông sản thứ 2 xuất sang Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD (sau gỗ đạt 1,4 tỷ USD).

Tuy nhiên đối với các mặt hàng nông sản khác lại kém khả quan. Thời gian qua, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp nông sản. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều giảm 29%, xuống mức 269 triệu USD; gạo giảm 28%, đạt 269 triệu USD; rau quả giảm 32%, đạt 822 triệu USD.

Trong tháng 7, dù Trung Quốc đã công bố bỏ đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện với SARS - Cov - 2 nhưng vẫn kiểm tra online qua video. Thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với doanh nghiệp nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia này về phòng chống và kiểm soát virus.

Nghị định thư về sầu riêng và thử nghiệm xuất khẩu chanh leo chính ngạch là những gam màu sáng trong bức tranh ảm đạm của nông sản Việt Nam trước bối cảnh chống dịch quyết liệt từ phía Trung Quốc.

Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, chanh leo và sầu riêng đã được chính thức xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân. Ngày 17/9, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu theo Nghị định thư. Điều này đã đánh dấu một giai đoạn mới trong giao thương hàng hóa nông sản giữa 2 nước.

8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 16,7 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xăng dầu và phân bón là hai mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt đạt 616% và 1400%, tương ứng tăng gấp 7 và 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu xăng dầu tăng cùng với biến động của giá năng lượng thế giới. Lo ngại nguồn cung dầu thiếu hụt trước biến động của thế giới, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao, thậm chí đạt đỉnh trong tháng 3/2022, kéo theo giá xăng cũng tăng theo.

Trong khi đó, giá phân bón chịu tác động từ tình hình bất ổn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Xung đột đã khiến nguồn cung bị tắc nghẽn bởi chi phí logistics tăng cao, đồng thời Nga lại là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về phân đạm, số 2 về phân lân và kali. Giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn.

Đối với mặt hàng công nghiệp, ba mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc lần lượt là điện thoại và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng trên đạt 8 tỷ USD, tương ứng chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc.

Về mặt hàng nông sản chính, xuất khẩu thủy sản tăng 30%, đạt 641 triệu USD; hàng rau quả tăng 16%, đạt 125 triệu USD. Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ trái cây tươi và chế biến lớn, dung lượng thị trường khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Hiện nay, 6 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được phép xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài và chuối.

Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hàn Quốc đã cuộc điện đàm về vấn đề thương mại giữa hai nước. Theo đó, hai vị Thủ tướng đều nhất trí nâng mục tiêu thương mại song phương vào năm 2023 và 2030, lần lượt đạt 100 tỷ USD và 150 tỷ USD.

8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 18%, đạt 15,8 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may đạt 2,5 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 16% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản.

Hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản tương đối đa dạng như quần áo các loại, sơ mi cao cấp, veston các loại, hàng thể thao, quần áo trẻ em… Hiện nay, mặt hàng dệt may của Việt Nam phải áp dụng quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt từ các hiệp định song phương và đa phương với Nhật Bản như AJCEP, VJEPA và CPTPP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may vẫn đang tận dụng rất tốt các ưu đãi từ các hiệp định này.

Đối với các mặt hàng khác, sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,8 tỷ USD, tăng 8%. Phương tiện vận tải phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, giảm 5%. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 31%. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, hóa chất là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với 69%, đạt 411 triệu USD.

Đối với mặt hàng nông sản, xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt mức cao nhất với 1,1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là mặt hàng cà phê với 196 triệu USD, tăng 28%; rau quả đạt 115 triệu USD, tăng 5%.

Riêng với sản phẩm gạo Việt, hiện mặt hàng này chưa thực sự có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản. Đồng thời, khả năng cạnh tranh với gạo của Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc hay Australia còn thấp. Cho nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso...

Tháng 6 vừa qua, sự kiện 100 tấn gạo ST25 lần đầu tiên được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đã đánh dấu một cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mở ra cánh cửa xuất khẩu gạo chính ngạch tại quốc gia Đông Á này.

Ở khía cạnh khác, nông sản Việt có ưu thế lớn khi các sản phẩm không gặp cạnh tranh từ hàng hóa nội địa do tính bổ trợ giữa 2 thị trường. Khoảng nửa triệu người Việt đang sinh sống tại Nhật, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận cộng đồng này để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, FTA song và đa phương cũng đã hỗ trợ rất tốt hàng hóa vào quốc gia này, bao gồm CPTPP, RCEP…

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp rất nỗ lực đưa nông sản Việt vào Nhật Bản nhưng thực tế với việc xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm phần lớn, tính cạnh tranh cũng như thương hiệu của hàng nông sản Việt trước các đối thủ quốc tế vẫn chưa thực sự cao.

Để tạo lực đẩy cho nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới chất lượng, giá cả mà cần tích cực củng cố, đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa sang Hong Kong (Trung Quốc) đạt 7,3 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hong Kong chủ yếu tập trung vào nhóm hàng điện tử. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và điện thoại, linh kiện là hai mặt hàng duy nhất đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, lần lượt đạt 3,8 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Với kim ngạch trên, hai mặt hàng này đã chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hong Kong.

Đối với mặt hàng nông sản, xuất khẩu các mặt hàng đều ghi nhận giảm, ngoại trừ thủy sản khi tăng 16%. Cụ thể, xuất khẩu gạo giảm 19%, đạt 26,8 triệu USD; hạt điều giảm 14%, đạt 11,4%. Xuất khẩu nông sản sang Hong Kong giảm một phần do tác động của chính sách Covid khắt khe từ phía Trung Quốc.

Hong Kong hiện là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của thế giới. Với mật độ dân số 8.000 người/km2, nhu cầu về thực phẩm nhập khẩu của người Hong Kong cực kỳ lớn khi “đất chật người đông”, đất sản xuất không có.

Trong khi đó, Việt Nam có ưu thế rất lớn khi có nền ẩm thực tương đồng đến 80% với Hong Kong. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường này cũng rất khắt khe với phân khúc khách hàng cao. Nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu, rộng tại thị trường này cần chuẩn bị tốt về sản phẩm, mẫu mã cũng như các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nếu có sự sai sót ở bất kỳ thị trường nào liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp, Hong Kong sẽ lập tức đưa ra cảnh báo, cơ hội tại thị trường này cũng sẽ thấp hơn.

Nếu tính cả thị trường đơn lẻ và khối thị trường, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với trị giá 31,9 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,1 tỷ USD). Đứng thứ 4 là thị trường ASEAN với 23,4 tỷ USD, tăng 27% (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,4 tỷ USD).


Tin liên quan

Đọc tiếp