Hong Kong – Thị trường quy mô nhỏ, tiêu thụ lớn với nông sản Việt

Thương Mại Việt nAM
09:27 - 07/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hong Kong là thị trường nhập khẩu 100% hàng hóa thực phẩm, điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như các yêu cầu khắt khe từ thị trường tiềm năng này.

Đối tác lớn của thị trường Việt Nam

Thông tin tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) do Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong tổ chức chiều 6/4 cho biết, trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong.

Năm 2021, Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc); đồng thời là nước có quan hệ thương mại lớn thứ 2 với thị trường này trong khối ASEAN.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Hong Kong năm 2021 đạt 13,62 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 12 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Hong Kong là nhóm hàng chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, nông lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm …

Riêng mặt hàng gạo, năm 2021 Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 của Hong Kong (sau Thái Lan), chiếm 29% thị phần, đạt 50 triệu USD. Trong khi đó, mặt hàng rau quả tăng trưởng tốt nhất so với các nông sản khác, tăng 32% so với năm 2020, đạt 79 triệu USD.

Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hong Kong đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung xuất khẩu các mặt hàng chính sang Hong Kong đều ghi nhận giảm.

Bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 826 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021; điện thoại các loại và linh kiện đạt 341 triệu USD, giảm 34%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 121 triệu USD, giảm 14%...

Xuất khẩu hàng nông sản cũng gặp đà giảm tương tự. Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Hong Kong đạt 24 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; hàng rau quả đạt 5,6 triệu USD, giảm 1,7; hạt điều đạt 3,5 triệu USD, giảm 25% ; gạo đạt 6,1 triệu USD, giảm 29%...

Hong Kong phụ thuộc hoàn toàn vào hàng thực phẩm nhập khẩu

Hong Kong hiện là một trong những thị trường tự do và năng động nhất thế giới. Theo Global Financial Centre Index 2021, đây là trung tâm tài chính và ngân hàng lớn thứ 2 toàn cầu. Đồng thời là khu vực có cảng conatainer lớn thứ 3 châu Á và thứ 9 của toàn cầu.

Trong thương mại song phương giữa Việt Nam và Hong Kong, ngày 12/11/2017, ASEAN (bao gồm Việt Nam) và Hongkong (Trung Quốc) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA).

Tuy nhiên, FTA không còn đóng vai trò giảm ưu đãi thuế quan đối với thị trường Hong Kong. Thay vào đó, Việt Nam lại tận dụng Hong Kong như một trung tâm trung chuyển logistics và tài chính thông qua FTA.

Bên cạnh đó, Hong Kong là nước nhập khẩu hàng hóa lớn của thế giới khi trong năm 2021, thị trường này nhập tới 566,1 tỷ USD. GDP bình quân đầu người thuộc hàng top thế giới, đạt mức 46.613 USD/người.

Có thể thấy, với nhịp độ phát triển như vậy của Hong Kong, nhu cầu tiêu dùng sẽ ngày càng lớn. Nếu Việt Nam tận dụng, nắm chắc cơ hội thì đây sẽ là thị trường “nhập khẩu bền vững” đối với các doanh nghiệp.

Mặt khác, với thị trường này doanh nghiệp Việt có thể tận dụng những lợi thế của sự tương đồng ẩm thực để xuất khẩu hàng nông sản sang Hong Kong.

Nhìn chung, so với các quốc gia khác, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế hơn nhiều so với các thị trường đối thủ. Việt Nam và Hong Kong là 2 thị trường có nền ẩm thực tương đồng đến khoảng 80%.

Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh Viet Kwong, bà Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh Viet Kwong, bà Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn, bà Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh Viet Kwong (doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch hàng hóa Việt Nam tại Hong Kong) cho biết: “Hong Kong nổi tiếng là thủ đô ẩm thực của thế giới, bởi vậy người dân ở đây họ rất sành ăn, họ quan tâm đến chất lượng sản phẩm hơn là giá thành”.

Nhận xét về văn hóa “sành ăn” của người Hong Kong, bà Hà cho rằng một phần bởi nó xuất phát từ cơ cấu dân số của Hong Kong. Trong khi dân số Việt Nam chỉ có 500 người/km2 thì Hong Kong đã lên tới mức 8.000 người/km2.

“Đất chật người đông”, đất sản xuất không có nên lượng hàng hóa thực phẩm nhập khẩu của thị trường này ở mức 100%. Hong Kong lại là khu vực trung chuyển quốc tế cho nên nền ẩm thực của họ rất phong phú và đa dạng.

Do vậy, độ tiếp cận các nền ẩm thực, tiếp nhận “tinh hoa” ẩm thực của thế giới ngày càng nhiều. Cho nên yêu cầu về chất lượng thực phẩm của họ cũng khắt khe hơn .

Các nước xuất khẩu hàng thực phẩm như Việt Nam có thể coi đây là thị trường cao cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, dù quy mô dân số nhỏ nhưng lại đóng vai trò lớn.

Một thuận lợi nữa đối với doanh nghiệp Việt khi hướng tới thị trường Hong Kong, đó là thuế quan. Trong khi Việt Nam phải tham gia và tận dụng các FTA để có thể hưởng ưu đãi thuế quan lớn nhất tại các thị trường đối tác lớn thì Hong Kong không có rào cản thương mại. Thị trường này gần như không đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu (ngoại trừ 4 loại hàng hóa là rượu, thuốc lá, dầu hydrocacbon và rượu metylic).

Ngoài ra, so với các thị trường đối thủ như EU, Nhật Bản, Australia…, Việt Nam có vị trí gần Hong Kong hơn. Do vậy, trong tình hình logistics ngày càng tăng cao, chi phí vận chuyển được giảm đi đáng kể sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn hoặc tạo ra những hợp đồng tốt hơn cho doanh nghiệp.

Từ Hong Kong, Việt Nam có thêm một con đường nữa xuất khẩu sang các thị trường GBA (thị trường có dân số 86 triệu người và GDP tổng đạt 1,67 nghìn tỷ USD).

Tuy nhiên, nhìn ở chiều hướng ngược lại, Hong Kong cũng sẽ là con đường đưa hàng hóa nhập khẩu từ thị trường bên ngoài vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang thị trường “khắt khe”

Chia sẻ tại Phiên tư vấn, Chủ tịch danh dự Ủy ban Thực phẩm Hong Kong ông Ronald Lau cho biết, Hong Kong rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo thống kê trong 5 năm gần nhất, trung bình có 200 vụ ngộ độc thực phẩm/800 người/năm. Bởi vậy, Hong Kong ngày càng siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hong Kong có sự chia sẻ về thị trường Hong Kong cũng như thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hong Kong có sự chia sẻ về thị trường Hong Kong cũng như thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Ronald Lau chia sẻ, hiện phía Hong Kong đã có một hệ thống giám sát, quản lý vệ sinh thực phẩm quy mô lớn. Bởi vậy, nếu hàng hóa nhập khẩu (bao gồm hàng Việt Nam) có vấn đề hoặc nhận được phản ánh không tốt sẽ lập tức bị kiểm tra, giám sát.

Hiện nay, Hong Kong đang áp dụng tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm như các tiêu chuẩn quốc tế CODEX và OIE, thậm chí còn cao hơn so với quốc tế. Nếu như hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường bất kỳ trên thế giới mà xảy ra vấn đề thì ngay lập tức phía Hong Kong sẽ cảnh báo đến người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hong Kong là thị trường gần như không có thuế quan, cho nên hàng hóa Việt Nam cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn hơn nhiều lần từ các đối thủ so với các thị trường khác. Doanh nghiệp cần phải có hướng đi chiến lược nếu muốn phát triển bền vững tại thị trường này.

Ngoài vấn đề lưu ý đến vấn đề khai báo Hải quan cũng như chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải chú đến bao bì sản phẩm. Do phần lớn người tiêu dùng Hong Kong không biết ngoại ngữ cho nên doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này được khuyến nghị sử dụng chữ địa phương Hong Kong trên các bao bì sản phẩm.

Xuất khẩu sang Hong Kong do là quy mô nhỏ nên ban đầu lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ không thể lớn như EU, Hoa Kỳ hay Trung Quốc nội địa… Bù lại thị trường này có tính lâu dài do có đặc điểm là phân khúc thị trường cao cấp. Nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hong Kong thì nhà nhập khẩu có thể an tâm xuất khẩu trong thời gian dài.

Tin liên quan

Đọc tiếp