Phát triển nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Ảnh: TTXVN. |
Tại sự kiện, 5 trường đại học gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cùng ký kết hợp tác liên minh các đại học Việt Nam cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Theo biên bản ký kết, các trường thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để tăng số lượng người học từ xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và tạo dựng đội ngũ chuyên gia xuất sắc về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.
Các trường sẽ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo như cùng xây dựng, định kỳ cập nhật và tổ chức thực hiện chung khung chương trình đào tạo đại học cho cử nhân, kỹ sư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và chương trình chuyển đổi cho sinh viên, cựu sinh viên các ngành gần và ngành liên quan.
Cùng với đó là đẩy mạnh chương trình trao đổi sinh viên có công nhận tín chỉ giữa các đơn vị đào tạo của các bên trong việc học tập, thực tập, liên kết đào tạo lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và liên quan; tăng cường số lượng, chất lượng mạng lưới giảng viên trong việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và phối hợp tham gia hoạt động chuyên môn trong thỉnh giảng, hội đồng, khóa học, hội thảo, chuyên đề về công nghiệp bán dẫn và liên quan.
Ngoài ra, các trường sẽ hợp tác chia sẻ, khai thác chung cơ sở dữ liệu, tài liệu và học liệu số, bản quyền phần mềm, dịch vụ chế thử MPW, nhân sở hữu trí tuệ mở (open IPs) cho giảng dạy trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và liên quan, trong đó chíp bán dẫn là chủ đề ưu tiên.
Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, các trường sẽ phối hợp xây dựng chương trình đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu và hợp tác quốc tế về bán dẫn; xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất cho các nhóm nghiên cứu mạnh thành mạng lưới để kết nối vào hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn...
Mục tiêu của ký kết là phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghệ cao
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Thời gian gần đây, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới...đã được mở rộng. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai đang đứng trước thách thức lớn do sự thiếu hụt số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu do ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ cao, tuy nhiên Thứ trưởng Sơn cho rằng, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm vẫn còn rất ít.
"Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất sang Việt Nam".
Đưa ra định hướng phát triển đào tạo công nghiệp bán dẫn, vi mạch, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kiến nghị, cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…
Cần có những giải pháp thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.
Cùng với đó là xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
"Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành để thành công, cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội," Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.