Ảnh: Olympics |
Tuy Ủy ban Olympic Quốc tế không thưởng tiền cho những vận động viên đạt huy chương, nhiều quốc gia có chính sách thưởng bằng tiền cho số huy chương mà các vận động viên giành được tại Thế vận hội Mùa hè hoặc Mùa đông.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp nhiều ưu đãi tài chính cho các vận động viên về đích trên bục vinh quang. Theo các chuyên gia, những chính sách này là nhằm phát triển nền văn hóa thể thao của quốc gia. CNBC đã tổng hợp những dữ liệu này từ Ủy ban Olympic các nước, các hiệp hội thể thao và trang web tài chính cá nhân Money Under 30.
Ảnh: Money Under 30 và Ủy ban Olympic các nước |
Theo đó, những vận động viên giành được HCV cá nhân đầu tiên cho Singapore sẽ nhận được khoản tiền thưởng trị giá 737.000 USD. Khoản tiền thưởng này phải chịu thuế và người chiến thắng cũng được yêu cầu trả lại cho hiệp hội thể thao của quốc gia một phần để đào tạo và phát triển thế hệ vận động viên tương lai.
Một nước khác trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia cũng đưa ra mức thưởng hậu hĩnh cho các vận động viên được giải. Trong khi đó, Kazakhstan thưởng cho các vận động viên của mình khoảng 250.000 USD cho một HCV, Italy là khoảng 213.000 USD và Philippines là khoảng 200.000 USD.
Tại Thế vận hội Tokyo năm ngoái, vận động viên ném lao Neeraj Chopra của Ấn Độ giành được HCV đầu tiên của quốc gia này và đã được tặng thưởng hàng chục nghìn USD từ các doanh nghiệp và chính trị gia.
Ngoài tiền thưởng huy chương, những người chiến thắng tại quốc gia này còn nhận được nhiều khoản tiền thưởng dưới nhiều hình thức. Khi vận động viên cử tạ người Philippines Hidilyn Diaz giành HCV Olympic đầu tiên cho quốc gia vào năm ngoái, cô được cho là đã được tặng hai ngôi nhà cùng các chuyến bay miễn phí suốt đời.
Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ thường tặng thưởng cho các vận động viên của mình 37.500 USD cho mỗi HCV giành được, 22.500 USD cho HCB và 15.000 USD cho HCĐ.
Phần lớn số tiền thưởng trên sẽ được miễn thuế, chỉ trừ khi các vận động viên báo cáo tổng thu nhập vượt quá 1 triệu USD. Ngoài ra, các vận động viên tại quốc gia này cũng sẽ nhận được nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau như bảo hiểm y tế, cơ hội sử dụng các cơ sở y tế hàng đầu và hỗ trợ học phí đại học.
Tuy nhiên, giành được một vị trí trong đội dự thi Olympic không phải là điều dễ dàng. Các vận động viên phải dành phần lớn thời gian của mình tập luyện cho Thế vận hội và chính điều đó khiến việc tìm kiếm công việc toàn thời gian trở nên vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, đối với một số bộ môn thể thao, chi phí thiết bị, huấn luyện và việc sử dụng các địa điểm tập luyện cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho một vận động viên. Tại các quốc gia lớn và cạnh tranh về thể thao, các vận động viên có thể nhận được tiền trợ cấp từ hiệp hội thể thao của quốc gia mình. Ngoài ra, những người này còn có thể sử dụng sự hỗ trợ từ cộng đồng để theo đuổi giấc mơ Olympic.
Những vận động viên hàng đầu cũng có thể kiếm tiền thưởng bằng cách chiến thắng các giải thi đấu quốc gia và quốc tế.
Trong khi đó, chỉ một số ít vận động viên hàng đầu mới sở hữu cơ hội nhận được hợp đồng đại diện nhãn hàng hoặc hợp đồng tài trợ trị giá hàng triệu USD trước khi thi đấu hoặc sau khi đạt được thành công trong các kỳ Olympic.
Một ví dụ chính là vận động viên trượt tuyết Shaun White. Theo NBC Sports, anh nhận được tài trợ ván trượt lần đầu tiên khi anh 7 tuổi. Sau khi giành được HCV Olympic đầu tiên của mình vào năm 2006, công ty sản xuất ván trượt tuyết Burton đã ký hợp đồng 10 năm với anh. Do đó, Shaun đã có thể bỏ túi khoảng 10 triệu USD cho mỗi năm tài trợ.
Theo Forbes vào năm 2021, vận động viên bơi lội người Mỹ Katie Ledecky và vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles cũng đã nhận được hàng triệu USD tiền hợp đồng đại diện nhãn hàng trước Olympic mùa hè tại Tokyo. Trong khi đó, ngôi sao quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka được cho là đã kiếm được 55 triệu USD tiền hợp đồng đại diện nhãn hàng trong 12 tháng. Cô được mệnh danh là nữ vận động viên được trả lương cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, việc ký được các hợp đồng béo bở như thế này là rất hiếm và hoàn toàn không phải là tiêu chuẩn. Hầu hết các vận động viên tại Mỹ không được hỗ trợ bởi các nhãn hàng thể thao. Theo Forbes, một số không có bất kỳ nhà tài trợ và cũng hoàn toàn không nhận được bất cứ hợp đồng đại diện nhãn hàng nào.