Cái bắt tay 'nghìn tỷ' của Bitexco và Xuân Thiện Group

Bitexco Xuân Thiện
16:29 - 09/05/2024
Nhà máy thủy điện Sông Lô 6. Ảnh: Xuân Thiện Group
Nhà máy thủy điện Sông Lô 6. Ảnh: Xuân Thiện Group
0:00 / 0:00
0:00
Việc mua lại Xuân Thiện Yên Bái và Xuân Thiện Hà Giang sẽ làm dày thêm danh mục dự án thủy điện vốn đã đồ sộ của Bitexco. Ở chiều ngược lại, Xuân Thiện Group cũng sẽ nhận về nguồn lực không nhỏ để bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Như đã được Mekong ASEAN đề cập, vào tháng 4/2024, một thành viên của Tập đoàn Bitexco đã mua lại phần lớn cổ phần và trở thành công ty mẹ của CTCP Xuân Thiện Yên Bái, vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển giao từ ông Mai Xuân Hương sang ông Nguyễn Ngọc Thanh.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh là Giám đốc của CTCP Thủy điện Văn Chấn - chủ sở hữu nhà máy thủy điện cùng tên có công suất 57MW tại Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Công ty này là một thành viên trong mảng năng lượng của Tập đoàn Bitexco.

Được thành lập vào năm 2011, Xuân Thiện Yên Bái là một trong những doanh nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group).

Công ty này là chủ đầu tư của nhiều nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái của Tập đoàn Xuân Thiện, trong đó có Nhà máy Thủy điện Khao Mang (30 MW), Nhà máy Thủy điện Khao Mang Thượng (24,5 MW) và Nhà máy Thủy điện Thác Cá 1 (27 MW), Nhà máy Thủy điện Đồng Sung (20MW).

Đây không phải là thương vụ M&A duy nhất được Bitexco và Xuân Thiện Group thực hiện trong thời gian gần đây.

Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, vào tháng 2/2024, CTCP Thủy điện Văn Chấn đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp 2.059,8 tỷ đồng, tương đương 99,99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch HĐQT Xuân Thiện Group.

Tương tự như Xuân Thiện Yên Bái, Xuân Thiện Hà Giang là một trong những thành viên quan trọng trong hệ sinh thái Xuân Thiện, khi là chủ của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 5 và Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6 (60MW) ở tỉnh Hà Giang.

Lời khẳng định của Bitexco

Khởi nghiệp năm 1985 từ một công ty dệt ở Thái Bình, Bitexco của gia đình doanh nhân Vũ Quang Hội sau gần 4 thập kỷ phát triển hiện là tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam với hàng chục doanh nghiệp thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, khai khoáng, thuỷ điện, khai thác dầu khí...

Hạt nhân của hệ sinh thái Bitexco là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (thành lập năm 1993) có vốn điều lệ 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Hội chiếm 60%, người em trai Vũ Quang Bảo đứng tên Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 40% cổ phần còn lại (tính đến tháng 8/2017).

Bất động sản là lĩnh vực cốt lõi của Bitexco, với hàng loạt dự án mang tính biểu tượng trải dài từ Bắc vào Nam như Tòa tháp tài chính Bitexco Financial Tower (TP HCM) hay Khách sạn 5 sao JW Marriot Hà Nội.

Bitexco cũng đang triển khai nhiều dự án khác như Khu đô thị The Manor Central Park có quy mô 89 ha tại Hà Nội; Khu đô thị The Manor Lào Cai có quy mô 14,3 ha; Khu đô thị Tứ giác Nguyễn Cư Trinh có quy mô 50 ha tại TP. HCM; The Spirit of Saigon có quy mô 8.600 m2 tại TP. HCM, Kawara Mỹ An Onsen Resort có quy mô 3,5ha tại Huế; Khu đô thị Đông Bắc Sapa có tổng diện tích 160,3 ha…

Song song với bất động sản, năng lượng từ đầu những năm 2000 cũng là một lĩnh vực được Bitexco chú trọng. Pháp nhân lõi, đóng vai trò holding ở mảng năng lượng của Bitexco là CTCP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power).

Nhà máy thủy điện Nho Quế 2. Ảnh: Bitexco Power

Nhà máy thủy điện Nho Quế 2. Ảnh: Bitexco Power

Được thành lập năm 2007, Bitexco Power có 15 công ty thành viên, vận hành 23 dự án thủy điện và 2 dự án điện mặt trời, trải dài từ Bắc vào Nam, quy mô sản xuất lên tới 1.388 MW. Trong đó có nhiều dự án lớn như Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 (Hà Giang), công suất 110 MW; bộ đôi nhà máy thủy điện Bá Thước 1, Bá Thước 2 (Thanh Hóa), tổng công suất 140 MW; cụm 3 nhà máy thủy điện Đak Mi 4 (Quảng Nam) với tổng công suất 208 MW…

Vào năm 2021, Chubu Electric Power – tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của Bitexco Power, sở hữu 20% vốn điều lệ công ty này, đánh dấu bước phát triển mới trong mảng năng lượng của Bitexco.

Việc chi ra hàng nghìn tỷ đồng (theo giá trị vốn góp), mua lại 2 thành viên quan trọng của Tập đoàn Xuân Thiện nói trên sẽ mở rộng đáng kể quy mô hoạt động, đồng thời bổ sung thêm loạt dự án thủy điện vào danh mục vốn đã cực kỳ đồ sộ của Bitexco Power.

Đây cũng là minh chứng cho tiềm lực tài chính của Bitexco, vốn đang chịu nhiều hoài nghi. Trong một năm qua, Bitexco đứng trước áp lực không nhỏ khi 10.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty thành viên là Công ty TNHH Saigon Glory dần tới ngày đáo hạn, trong đó có 5.000 tỷ đồng đã đáo hạn vào giữa năm 2023.

Bitexco đã nhiều lần tổ chức bất thành hội nghị người sở hữu trái phiếu nhằm điều chỉnh, gia hạn kỳ hạn và lãi suất của trái phiếu. Phải tới tháng 2/2024, 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng mới được đồng ý gia hạn thêm 1 - 2 năm.

Phép tính mới của Xuân Thiện Group

Là con cả của lão doanh nhân Nguyễn Xuân Thành (SN 1950), ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1970) ghi đậm dấu ấn trong sự phát triển của Xuân Thiện Group, cùng với các hệ sinh thái của những người em trai là Nguyễn Đức Thụy, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Xuân Thủy, góp phần củng cố thêm vị thế của Tập đoàn Xuân Thành (nay là ThaiGroup) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu cả nước do ông Nguyễn Xuân Thành sáng lập.

Được thành lập từ năm 2000, trải qua 24 năm xây dựng và phát triển, Xuân Thiện Group đã trở thành tập đoàn đa ngành, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu, nông nghiệp.

Ở mảng nông nghiệp, Xuân Thiện ghi dấu ấn với loạt dự án lớn có tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng, trữ lượng thức ăn chăn nuôi 1 triệu tấn/năm, sản lượng chăn nuôi 3 triệu lợn thịt/năm, tạo việc làm và thu nhập cho 30.000 người lao động.

Ở mảng vật liệu xây dựng, Xi măng Xuân Thành là thương hiệu lâu đời với chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam của Xuân Thiện cho ra công suất 30 triệu tấn/năm, là một điểm sáng trong ngành sản xuất của tỉnh Hà Nam.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M’gar. Ảnh: Xuân Thiện Group
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M’gar. Ảnh: Xuân Thiện Group

Tuy nhiên khi nhắc về Xuân Thiện, người ta thường nhớ về những dự án thủy điện trên khắp các tỉnh thành phía Bắc, hay các dự án năng lượng tái tạo quy mô hàng trăm MW ở miền Trung.

Vào năm 2005, Xuân Thiện bắt đầu triển khai các dự án năng lượng với cụm nhà máy thủy điện Suối Sập. Từ năm 2011, công ty hoàn thành và vận hành thành công các cụm Thủy điện Suối Sập và Háng Đồng tại tỉnh Sơn La, cụm Thủy điện Khao Mang tại tỉnh Yên Bái và cụm Thủy điện Sông Lô tại tỉnh Hà Giang.

Tiếp nối những thành công này, giai đoạn 2018 - 2020, Xuân Thiện lấn sân sang mảng năng lượng tái tạo, vận hành thành công các dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc 255 MW, cụm Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp công suất 831 MWp tại tỉnh Đắk Lắk.

Để cấp vốn cho loạt dự án lớn, Xuân Thiện tích cực huy động vốn tín dụng, trong đó trái phiếu là một trong những kênh huy động chính.

Trong năm 2020, các thành viên mảng năng lượng tái tạo của Xuân Thiện Group phát hành thành công hơn 75 lô trái phiếu, huy động về hơn 12.700 tỷ đồng dưới sự thu xếp của Chứng khoán SHS và Ngân hàng SHB.

SHB là một trong những đối tác lớn của Xuân Thiện. Bản thân bà Phạm Bính Thìn, phu nhân của ông Nguyễn Văn Thiện cũng từng sở hữu 28 triệu cổ phiếu SHB.

Việc chuyển nhượng 2 thành viên quan trọng trong mảng thủy điện nói trên là Xuân Thiện Yên Bái và Xuân Thiện Hà Giang sẽ thu hẹp đáng kể quy mô trong lĩnh vực năng lượng của Xuân Thiện. Trước đó trong năm 2022, tập đoàn này cũng đã bán bộ đôi dự án Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc Giai đoạn 1 và 2 với tổng công suất 255 MWp cho Tập đoàn EDPR Sunseap của Singapore.

Tuy nhiên các thương vụ M&A kể trên có thể mang về nguồn lực không nhỏ, phục vụ cho công việc kinh doanh của Xuân Thiện Group.

Vào ngày 11/4 vừa qua, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) Cao Tấn Thành đã chuyển nhượng toàn bộ 8,25 triệu cổ phần, tương đương 61,16% vốn điều lệ GLS cho 4 nhà đầu tư là bà Thái Kiều Hương (nhận chuyển nhượng 4,95% VĐL), ông Hồ Ngọc Bạch (19,88% VĐL), ông Lê Huy Dũng (16,33% VĐL) và Công ty TNHH TM Nông nghiệp Khang An (20% VĐL).

Cùng ngày, ông Lê Huy Dũng cũng nhận chuyển nhượng toàn bộ 500.000 cổ phiếu GLS (tương đương 3,7% vốn điều lệ) từ ông Chu Tuấn An – cựu Tổng giám đốc GLS, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu ở công ty chứng khoán này lên 20,03% vốn điều lệ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức sau đó 4 ngày, cổ đông GLS đã thông qua phương án phát hành 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/CP, nâng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 5.135 tỷ đồng. Trong đó, Nông nghiệp Khang An và bà Thái Kiều Hương dự kiến được phân phối 216 triệu cổ phiếu.

Công ty TNHH TM Nông nghiệp Khang An có tiền thân là Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình, được thành lập bởi Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Bà Thái Kiều Hương cũng là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Xuân Thiện khi từng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam.

Cổ đông công ty này cũng thông qua việc đổi tên thành CTCP Chứng khoán Xuân Thiện, đồng thời đổi trụ sở chính về Tòa nhà D. Le Roi Solei, 59 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong năm 2024, DGC sẽ nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (UPCoM: PAT) vào DGC.

Đức Giang muốn sáp nhập PAT

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang – HoSE: DGC) ngày 2/3 công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Buổi họp sẽ diễn ra vào ngày 29/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz , Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội.