Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. |
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế -Xã hội Việt Nam 2023 chiều 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhờ các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua (từ sau Đại hội XIII của Đảng), Việt Nam đã đứng vững, cơ bản vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một điểm sáng trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, từ quý 4/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Ngoài nông nghiệp thì đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng – “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế đều gặp khó khăn, tăng trưởng chậm, thậm chí đang “giảm tốc”.
Điều đáng lưu ý là 3 động lực tăng trưởng kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải carbon và kinh tế tuần hoàn theo các mục tiêu phát triển bền vững.
“Các ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải ‘làm mới’ các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Đồng thời khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế...”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Các ý kiến tại Diễn đàn cũng nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục hạ lãi suất, ổn định tỷ giá...
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 có sự tham gia của đông đảo đại diện cơ quan Nhà nước, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp. |
Nguồn nhân lực là động lực cốt lõi của nền kinh tế
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguồn nhân lực được coi là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay.
Trên cơ sở đó, cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...), tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai... “Riêng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn, từ nay đến 2028 chúng ta cần có 50.000 người”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. “Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1/7/2024”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.