Cải tạo “cánh đồng hoang” chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam

số hóa NÔNG NGHIỆP
19:04 - 02/12/2021
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân, trước hết là số hóa dữ liệu từng nông hộ. Ảnh minh họa
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân, trước hết là số hóa dữ liệu từng nông hộ. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam hiện nay như một cánh đồng hoang, còn nhiều không gian manh mún và rời rạc. Cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của Chính phủ và cần kích hoạt chính sự chủ động, sáng tạo của các hộ nông dân.

Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tại phiên “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp” thuộc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số 2021, chiều 02/12.

Trao đổi với MEKONG ASEAN về những khó khăn trong chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ, chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam hiện đang manh mún, rời rạc. Phần mềm hay thiết bị thông minh chỉ là công cụ. Nếu không phù hợp trình độ và khả năng đầu tư thì cũng lãng phí và vô dụng, giống như hệ thống giao thông cần “xe nào đường nấy”.

"Để cải tạo “cánh đồng hoang” chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam," bà Thực cho rằng Chính phủ cần có khung pháp lý để nhiều đối tượng cùng tham gia đóng góp.

“Chuyển đổi số luôn cần sự sáng tạo, đổi mới. Nếu chỉ thực hiện theo hình thức 'đấu thầu' thông thường như hiện nay thì các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo sẽ không có cửa tham gia và khu vực Nhà nước sẽ khó tích hợp, bắt kịp xu hướng”, bà Thực phân tích

BÀ NGUYỄN THỊ THÀNH THỰC
Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

“Mỗi người dân, doanh nghiệp cần tìm tòi sáng tạo và chủ động ứng dụng các công cụ số để tìm ra cái phù hợp với mình. Đừng đợi Chính phủ, chính quyền hay bộ/ngành nào làm thay việc đó”.

Cần có sự cùng vào cuộc của nhiều bên liên quan

Chia sẻ tại diễn đàn, đưa ra bức tranh chi tiết về chuyển đổi số nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực đã chỉ ra các khu vực liên quan và cần có sự cùng vào cuộc của nhiều bên trong quá trình này.

Theo bà Thực, khu vực Nhà nước cần có các chính sách, pháp luật rõ ràng, cập nhật và cởi mở để điều phối hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như chính sách quản lý về mã số vùng trồng, lưu thông hàng hóa… Khi có cơ chế, khung pháp luật sẽ đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, nhanh chóng.

Đối với khu vực các bộ/ngành (Nông nghiệp, Công thương, Tài nguyên môi trường, Khoa học công nghệ…) cần có các thông tin, dữ liệu liên quan đến chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thống kê cho thấy người nông dân sẽ có 2h/ngày truy cập Internet tìm hiểu thông tin về chuyển đổi số, nhưng trong đó phải đến 1 - 1,5h là xem quảng cáo gây tốn kém nguồn lực, do vậy cần có sự vào cuộc của các bộ/ngành.

Ở góc độ khu vực người dân và doanh nghiệp, cần đảm bảo số hóa đồng bộ dữ liệu cơ sở của những hộ dân/doanh nghiệp trong chuỗi nông nghiệp (sản xuất - cung ứng - thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối). Bởi dữ liệu là tài sản lớn và quan trọng nhất của chuyển đổi số

Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân. Trước hết là số hóa dữ liệu từng nông hộ: lựa chọn phần mềm (app) trên điện thoại, đơn giản, dễ dùng, cập nhật đa phương tiện (tải ảnh, video, ghi chép)

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

“Thay thế sổ tay nông hộ ghi chép bằng giấy sang ghi chép bằng phần mềm trên điện thoại (nhật ký điện tử). Hiện bà con nông dân dường như là rất miễn cưỡng khi dùng sổ tay nông hộ nên rất cần sự vào cuộc của các cơ quan tổ chức nhà nước quản lý giám sát nông hộ trực tuyến qua nhật ký điện tử, đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn qua công cụ số này”.

Xây dựng hệ sinh thái liên kết chuỗi chuyển đổi số

Một trong những việc cần làm để cải tạo sự manh mún, nhỏ lẻ của cánh đồng chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam được bà Thực nhắc đến là yêu cầu "liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ theo ngành nghề thành khối kinh tế hợp tác".

“Hình thành các hợp tác xã trên cơ sở số hóa bằng việc minh bạch thông tin, giám sát trực tiếp với mục tiêu “cùng mua - cùng làm - cùng bán” sẽ giúp tiết giảm các chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện. Các hộ nông dân số sẽ kết nối với nhau trên nền tảng số, từ đó xóa bỏ các nghi kỵ gian lận và dễ hợp tác với nhau hơn”, bà Thành Thực nói.

Để xây dựng hệ sinh thái liên kết chuyển đổi số, cần có các nền tảng phục vụ liên kết chuỗi, đáp ứng mô hình số, đáp ứng yêu cầu quản lý (Chính phủ số), kinh doanh (kinh tế số), giao tiếp (xã hội số).

Liên kết các dữ liệu chuyên ngành với phần mềm để nông dân cập nhật kịp thời các chỉ đạo và các động thái chính sách của Nhà nước, thực hiện các giao dịch, thủ tục trên phần mềm. Khi các ngành cùng chuyển đổi số đồng bộ, chia sẻ dữ liệu sẽ giúp cho Chính phủ hoạch định chính sách và giám sát các ngành tốt hơn. Mọi chi phí của nhà nước và người dân khi đó sẽ được tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, bà Thực cũng cho biết, hiện nay các phần mềm công cụ số ứng dụng trong nông nghiệp trên thế giới có rất nhiều, đa dạng nhưng rất khó để ứng dụng cho các vùng nông nghiệp khác nhau.

Đặc thù nông nghiệp từng vùng, văn hóa, điều kiện đầu tư...khác nhau, trong khi phần mềm cho nông nghiệp, nông dân còn quá ít và manh mún, rời rạc, không phù hợp với nông dân Việt Nam.

Khu vực quản lý Nhà nước và các cán bộ, nhà khoa học... cũng chưa có những phần mềm ứng dụng để chuyển tải đến nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi nông nghiệp.

“Chữ quốc ngữ 1000 năm thay đổi một lần nhưng công nghệ thì luôn thay đổi nên chúng ta phải cập nhật liên tục. Phải xác định chuyển đổi số là quá trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc”, bà Thực chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp