Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chiều 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thời gian qua, Cần Thơ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước.
Thành ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV; ban hành 17 Nghị quyết, Chương trình, Đề án chuyên đề... trên tất cả các lĩnh vực để triển khai.
Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố cơ bản ổn định và phát triển. Giai đoạn 2021-2023, GRDP của Cần Thơ bình quân đạt 5,91%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 lên 107.781 tỷ đồng năm 2022 và ước đến cuối năm 2023 đạt 118.872 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 94,52 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội có chuyển biến tích cực và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đánh giá cao những nỗ lực của Cần Thơ trong bối cảnh đan xen nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quy mô kinh tế của thành phố tăng, so với 10 năm trước đã gấp 10 lần. Gần đây, thành phố đã triển khai các dự án lớn rất có trách nhiệm, đặc biệt là các dự án cao tốc đi qua địa bàn...
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, giai đoạn trước khi thu ngân sách đạt mốc 10.000 tỷ đồng, tốc độ phát triển của thành phố rất nhanh, nhưng khi đạt mốc này thì "cứ loanh quanh", không thoát ra được.
So sánh mức thu ngân sách, quy mô kinh tế của Cần Thơ với Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra nguồn thu của Cần Thơ đang ở mức thấp.
"Năng lực sản xuất mới ra sao. Chúng ta trông cậy vào điện khí Ô Môn nhưng tiến độ lại rất chậm, chưa biết đến lúc nào giải quyết được. Tôi làm việc ở Sóc Trăng, Hậu Giang, họ nói quy mô của họ nhỏ thì phải có khát vọng lớn. Mình là anh cả thì khát vọng phải lớn hơn. Cần khát vọng, tư duy tầm nhìn thế nào để vượt qua ‘bẫy’ 10.000 tỷ này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Gợi mở một số vấn đề mà Cần Thơ cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn thành phố mở rộng năng lực sản xuất mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho cả vùng, phát triển theo hướng “thuận thiên”. Do đặc điểm địa chất có nền đất yếu và thấp nên thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cần Thơ đánh giá kỹ hơn thực trạng, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan. Căn cứ vào thực trạng, tình hình, tiếp tục rà soát, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết vướng mắc trên tinh thần quyết liệt. “Tinh thần là Cần Thơ vì cả vùng, cả nước, nhưng cả vùng, cả nước cũng phải vì Cần Thơ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Cần Thơ sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất. Theo ông, quy hoạch phải đi trước một bước mà chưa có thì tất cả mọi thứ vướng mắc hết. Hiện tại, cả vùng ĐBSCL mới chỉ có Long An và Sóc Trăng được phê duyệt quy hoạch này.