Ngày 11/5, Chính phủ có Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022". Đáng chú ý, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.
Cụ thể, tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại các ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... Tất cả đều trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ nhằm đưa ra phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank.
Theo chia sẻ trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của các ngân hàng, Vietcombank và MB là hai ngân hàng đã được lựa chọn để tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.
Về nội dung cơ bản của việc nhận chuyển giao bắt buộc, sau khi Vietcombank và MB nhận chuyển giao, các tổ chức tín dụng hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và sẽ không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính tại các ngân hàng bị chuyển giao vào cùng báo cáo tài chính hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.
Đồng thời, Vietcombank và MBBank sẽ không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian mà tổ chức tín dụng còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của 2 tổ chức tín dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Việc Vietcombank và MB cần làm khi nhận chuyển giao là tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc.
Với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, cả Vietcombank và MB cũng đều đặt kỳ vọng về hiệu quả tích hợp trong tương lai.
Đại diện tại MB cho biết tại ĐHĐCĐ: "Việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng sẽ giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới".
Khi giải quyết câu chuyện khó của ngành ngân hàng, giá trị thương hiệu của MB được cộng hưởng với tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh, tăng vốn hoá nhờ mở rộng vốn hoá. Bên cạnh đó, cũng sẽ làm lành mạnh hoá hệ thống, từng bước giải quyết khoản lỗ, giảm gánh nặng cho ngân sách. Trong khi quyền lợi, lợi ích hợp pháp được kế thừa, với tiềm lực MB cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng.
Còn tại ĐHĐCĐ 2022 của Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng này cũng nhấn mạnh các mục tiêu và lợi ích đạt được khi thực hiện chủ trương trên. Trong đó, việc tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì.
Đáng chú ý, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15% - 25% vốn tự có đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của ngân hàng; Cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; Tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu nhà băng này đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Ngoài ra, ngân hàng cũng được hưởng đặc quyền ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng, qua đó Vietcombank sẽ được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…
Vietcombank và MB khẳng định việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng và nền kinh tế.