Các nhà lập pháp đã đề xuất phân loại các công cụ AI khác nhau theo mức độ rủi ro nhận thức được, từ thấp đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận được. Chính phủ và các công ty sử dụng các công cụ này sẽ có các nghĩa vụ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ rủi ro.
Những vấn đề cần được quan tâm có thể bao gồm giám sát sinh trắc học, lan truyền thông tin sai lệch hoặc sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc.
Đơn cử như các công ty sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đa dạng như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh Midjourney sẽ phải thông báo rõ ràng về các tài liệu có bản quyền được sử dụng để phát triển hệ thống của họ.
Ban đầu, một số nhà lập pháp đề xuất cấm sử dụng bất kỳ tài liệu có bản quyền nào để huấn luyện các mô hình AI đa dạng nhưng cuối cùng họ đã thống nhất đưa ra yêu cầu về tính minh bạch.
Mặc dù các công cụ AI có rủi ro cao không bị cấm, nhưng những công ty sử dụng chúng sẽ phải tiết lộ hoạt động của mình một cách cực kỳ minh bạch. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty phát triển AI sẽ không thể che giấu bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến người dùng hoặc xã hội, giúp đảm bảo rằng công nghệ AI sẽ được sử dụng một cách đúng đắn và an toàn.
Ngoài việc theo dõi cách sử dụng AI của các công ty, đạo luật sắp tới cũng sẽ xem xét công nghệ này có được sử dụng trong khu vực công và thực thi pháp luật. Nó sẽ hoạt động song song với các luật khác như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).
Theo Reuters, bà Svenja Hahn, thành viên của EP cho biết, một thoả thuận vững chắc sẽ điều chỉnh AI một cách tương xứng, bảo vệ quyền công dân đồng thời thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế quốc gia. Một cuộc bỏ phiếu ở cấp uỷ ban dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/5 và sau đó được đưa ra trước Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.
Cách đây 2 năm, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các quy tắc dự thảo đạo luật nhằm bảo vệ công dân khỏi những nguy cơ của công nghệ mới nổi, vốn đã trải qua sự bùng nổ về đầu tư và sự phổ biến của người tiêu dùng trong những tháng gần đây.
Nhiều công nghệ mới đã được đầu tư mạnh tay ngay sau sự xuất hiện của ChatGPT vào cuối năm ngoái. Chatbot AI này đã trở thành công cụ phát triển nhanh nhất trong lịch sử khi đạt 100 triệu người dùng trong vòng vài tuần ra mắt.
Các cuộc thảo luận của EU đã gây lo ngại cho các công ty công nghệ, đặc biệt là về việc áp dụng các quy định có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và liệu đạo luật có tạo ra sự bất lợi trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác trên thế giới hay không.