Nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu khoai tây
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 - 10 tỷ USD và thu hút đầu tư mới 50 - 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp đều nhất trí: Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Để triển khai các hoạt động cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam gồm 8 Nhóm công tác ngành hàng PPP (gạo; cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi) tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Nhóm công tác PPP rau quả do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, PepsiCo và Syngenta đồng chủ trì dù mới bắt đầu hoạt động nhưng đã có nhiều nỗ lực đáng khích lệ, đặc biệt trong hợp tác phát triển chuỗi giá trị khoai tây.
Quang cảnh hội thảo. |
Tại Việt Nam, khoai tây là cây trồng có diện tích trồng lớn, sản phẩm khoai tây sử dụng chủ yếu cho ăn tươi. Với vị trí địa lý trải dài qua nhiều vĩ độ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu khoai tây.
“Theo ước tính, nhu cầu của các nhà máy chế biến lên tới 180.000 tấn nguyên liệu/năm song sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được 35 - 40%, còn lại phải nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Có thể thấy ngành hàng khoai tây Việt Nam còn khá nhiều dư địa tăng trưởng”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh thông tin.
Tại các tỉnh phía Bắc, cây khoai tây có vị trí quan trọng với cơ cấu vụ Đông và vụ Xuân. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất cây vụ Đông hàng năm khoảng 400.000 ha, trong đó khoai tây dao động 15.000 - 18.000 ha, sản lượng 250.000 - 320.000 tấn. Tuy nhiên, với ưu đãi về điều kiện đất đai và thời tiết theo đánh giá tiền năng sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc khoảng 150.000 - 200.000 ha/năm. Đây là điều kiện rất tốt cho chuỗi phát triển sản xuất khoai tây đặc biệt là khoai tây dành cho chế biến.
Theo ông Lê Quốc Thanh, để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ. Mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín. Ở đó, người nông dân có được nguồn giống đảm bảo, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để thực hiện thành công mô hình này, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại hội thảo. |
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, tại các tỉnh miền Bắc và Vùng đồng bằng sông Hồng khó khăn thách thức lớn nhất đối với sản xuất khoai tây là quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, các khu vực sản xuất tập trung dần được hình thành nhưng vẫn dựa trên các nông hộ nhỏ lẻ và phân tán gây khó khăn trong việc đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ. Diện tích trồng khoai tây chưa có quy hoạch do phải cạnh tranh với các rau quả khác, tổ chức liên kết sản xuất còn yếu, năng suất và chất lượng chưa cao. Chi phí sản xuất đầu vào còn cao, công tác quản lý chất lượng giống chưa được kiểm soát chặt chẽ… Do vậy rất cần những giải pháp tổng thể để đưa ngành sản xuất khoai tây trở lại với vị thế vốn có trước đây.
Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc nông nghiệp PepsiCo Việt Nam cho biết, từ năm 2008, PepsiCo Foods Việt Nam đã triển khai thực hiện vụ đầu tiên tại Lâm Đồng để phát triển vùng nguyên liệu khoai tây trong nước với mục tiêu nâng dần tỷ lệ nguồn cung tại chỗ, giảm nguồn nhập khẩu.
Từ 4 hộ nông dân với diện tích 27ha năm đầu tiên triển khai với năng suất ban đầu đạt 8 tấn/ha, đến 2024, đã có hơn 1.500 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích gần 1.700 ha và năng suất trung bình đạt 24.6 tấn mỗi ha, cao hơn mức trung bình tại Thái Lan, Indonesia... Đặc biệt, có hộ đạt năng suất 54 tấn trên một ha.
Nhận thấy những lợi ích của chuỗi giá trị trong ngành hàng khoai tây, kể từ năm 2019, PepsiCo tiếp tục liên kết với các đối tác, trong đó có Syngenta - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả, cùng với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Yara, Mimosatek, Netafim_Khang Thịnh, USAIDS Resonance - dự án GDA và Care - Dự án She Feeds The World (SFtW) thực hiện mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai...).
Với mục tiêu lấy nhà nông dân làm trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ chăm sóc đất, giống, xử lý hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tưới tiêu, kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra đến chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.
Riêng trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị ứng dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 30 - 34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân; sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2023 cũng đánh dấu năm đầu tiên mô hình xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi và được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn khoai nhập từ Úc, Canada hay Đức.
Trước đó, cũng trong sáng nay, các đại biểu đến tham quan ruộng khoai và khởi động mùa vụ khoai tây Đông Xuân 2024 - 2025 tại Nam Sách (Hải Dương). |
Chị Trần Thị Vân Anh, nông dân trồng khoai tây tại Gia Lai cho biết, khi tham gia chương trình sản xuất khoai tây bền vững, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Đồng thời, được tiếp cận công nghệ tiên tiến như xử lý giống, phân bón, tưới tiêu hay thăm đồng thông qua drone. Ngoài ra, có thể quản lý canh tác thông qua Apps và điều chỉnh tưới nước thông qua điện thoại thông minh. Với những kiến thức này, chúng tôi canh tác khoai tây hiệu quả hơn, vừa đạt năng suất cao, vừa có chất lượng tốt, từ đó gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
“Không chỉ nâng cao và ổn định thu nhập của người dân do bao tiêu đầu ra, Mô hình sản xuất khoai tây bền vững còn hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Với những ưu thế nổi bật, mô hình này đã được PepsiCo nghiên cứu, đánh giá và chính thức nhân rộng ra các tỉnh phía Bắc từ vụ Đông Xuân 2024 - 2025”, chị Vân Anh chia sẻ.
Theo đại diện PepsiCo Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai trồng khoai tây tại các tỉnh Tây Nguyên và chuẩn bị vùng nguyên liệu cho nhà máy thực phẩm mới của PepsiCo tại Hà Nam với vốn đầu tư gần 90 triệu USD và dự kiến công suất hơn 20.000 tấn snack/năm, PepsiCo đã mở rộng mô hình ra các tỉnh phía Bắc với trọng tâm đảm bảo chuỗi cung ứng tại chỗ, chất lượng cho thị trường Việt Nam.
Các mô hình được thí điểm trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương đã mang lại kết quả nổi bật, bao gồm năng suất khoai tây cao hơn đáng kể (cao nhất lên tới 33 tấn/ha tại Thanh Hóa), tiết kiệm nước và tăng thu nhập cho nông dân.
Trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, PepsiCo tiếp tục phối hợp với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện 9 mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc,...), với tổng diện tích dự kiến đạt 23 ha. Việc mở rộng vùng nguyên liệu ra phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có được nguồn thu nhập ổn địnhtừ việc trồng khoai tây.
Tại các tỉnh phía Bắc, cây khoai tây có vị trí quan trọng với cơ cấu vụ Đông và vụ Xuân. |
“Bên cạnh việc được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm, bà con nông dân trồng khoai tây khu vực phía Bắc còn được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Công ty cũng giúp bà con ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như thăm đồng bằng drone, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại...”, đại diện PepsiCo Việt Nam khẳng định.
Hải Dương có khoảng 700 ha khoai tây
Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, nông nghiệp Hải Dương được nhiều nơi trong và ngoài nước biết đến về các sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, chất lượng, các vùng sản xuất chuyên canh rộng lớn và độc đáo. Từ lâu, Hải Dương đã nổi tiếng là “vựa rau” của miền Bắc và của cả nước.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có diện tích cây ăn quả khoảng 21.500ha, sản lượng khoảng 300.000tấn/năm; tổng diện tích gieo trồng cây rau màu 3 vụ trong năm 2023 đạt 41.973ha. Trong đó, cây rau thực phẩm 31.178ha, chiếm khoảng 74,5% diện tích rau màu các loại; năng suất rau trung bình đạt 263,3 tạ/ha; sản lượng rau các loại đạt 823.582 tấn. Trong đó, giá trị sản xuất cây vụ Đông cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc, nhiều loại quả và rau màu đã xuất khẩu đi nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ở Hải Dương, khoai tây trước kia là một trong những cây trồng chính trong vụ đông của tỉnh. Khoai tây tiêu thụ thuận lợi, thời gian sinh trưởng ngắn và thời vụ trồng kéo dài; có thể bảo quản tại nhà trong thời gian ngắn nên ít chịu áp lực tiêu thụ ngay sau thu hoạch, các giống dễ trồng, chăm sóc, có năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu lao động, mặt khác trồng khoai tây đòi hỏi nhiều công chăm sóc, thu hoạch, trong khi giống khoai tây người dân phải mua với giá cao, tiêu thụ sản phẩm không ổn định đặc biệt khi người dân sản xuất quy mô lớn, vì vậy diện tích trồng khoai tây tại Hải Dương những năm gần đây có xu hướng giảm...
“Đến nay, diện tích khoai tây toàn tỉnh Hải Dương khoảng 700 ha/năm. Tập trung nhiều ở một số địa phương như huyện Tứ Kỳ 176ha, huyện Thanh Miện 120ha, huyện Kim Thành 68ha, thị xã Kinh Môn 66ha, huyện Thanh Hà 54ha... năng suất bình quân 144,61 tạ/ha, sản lượng 10.788 tấn”, bà Phạm Thị Đào thông tin.
Hiện diện tích khoai tây toàn tỉnh Hải Dương khoảng 700 ha/năm. |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, để phát triển diện tích khoai tây cần có những giải pháp đồng bộ về giống, công nghệ trong sản xuất và chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người sản xuất...
Anh Trần Danh Tăng, nông dân ở Hải Dương - người đã thí điểm năm 2023 - 2024 với diện 5ha chia sẻ, tôi và gia đình rất phấn khởi vì mô hình PepsiCo gia tăng thêm sự lựa chọn cây trồng trong năm cũng như tiếp cận những công nghệ tiên tiến như xử lý giống, bón phân, hệ thống tưới tiêu tự động, thậm chí là sử dụng drone để thăm đồng. Sau 2 năm tham gia thí điểm mô hình canh tác mới này, tôi thấy hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Khoai tây trồng theo phương pháp này không chỉ cho năng suất cao hơn đáng kể, lên tới 25 tấn/ha, mà chất lượng và mức độ an toàn cũng được đánh giá cao.
“Đặc biệt, chúng tôi được công ty bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nên không phải lo vấn đề tiêu thụ. Quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra giúp thu nhập của nông dân trồng khoai tây chúng tôi ổn định, bà con yên tâm canh tác”, anh Trần Danh Tăng cho biết.
Tham gia mô hình với diện tích 38 ha, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, khi tham gia mô hình, bà con không còn phải lo lắng về đầu ra khoai tây như trước đây. Bà con cũng hiểu thêm về vai trò của mình trong việc sản xuất nông nghiệp bền vững, có ý thức canh tác an toàn và bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương để bà con có cơ hội tiếp cận các phương thức canh tác hiệu quả, an toàn…
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững Công ty Syngenta Việt Nam, từ thành công tại Tây Nguyên, mô hình sản xuất khoai tây bền vững đã được mở rộng ra các địa phương phía Bắc với kỳ vọng hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp nông học mới vào sản xuất không chỉ giúp bà con miền Bắc có được những vụ khoai tây bội thu mà còn tiết kiệm chi phí và công sức trong quá trình canh tác. Trong xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch như hiện nay, mô hình góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện thực hóa kế hoạch phát triển ngành hàng khoai tây bền vững, đồng thời chung tay xây dựng tương lai xanh của ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.