Ảnh minh họa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La phát hiện và tiêu hủy hơn 1 tấn sản phẩm động vật đã bị hôi thối. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công Thương |
Theo báo cáo tổng hợp tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn quốc của Bộ Y tế, năm 2023, mặc dù công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đã có những tiến bộ nhất định, nhưng tình hình an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề phức tạp.
Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại cho sức khỏe và hình thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới khó quản lý, ví dụ quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia.
Trong khi đó, vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chưa được phân định rõ ràng. Việc tuyên truyền về an toàn thực phẩm vẫn chủ yếu mang tính thời vụ.
Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm.
Tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm
Tiếp tục coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần được đẩy mạnh với các hình thức, nội dung phong phú, truyền thông trên đa phương tiện; kết hợp truyền thông thường xuyên về kiến thức, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và tập trung đẩy mạnh về thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm như Tết, mùa lễ hội...
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hài hòa với các quy định của quốc tế; đề cao và phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình; có biện pháp hiệu quả giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm; lực lượng quản lý Nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể có tác động lớn đối với sức khỏe người dân; các lĩnh vực khác thì khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng, thực hiện, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố và tự chịu trách nhiệm.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm để doanh nghiệp, người dân có thể đăng ký, công bố sản phẩm của mình với thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi.
Người tiêu dùng có thể phản ánh, đánh giá về sản phẩm thực phẩm, bảo đảm công khai, minh bạch trên các nền tảng thông tin điện tử này.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý thực phẩm và để doanh nghiệp, người dân đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình.
Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Dự án về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, với sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, cơ quan ở trung ương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cơ quan, triển khai ngay từ đầu năm, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện đại hóa cách thức thanh tra, kiểm tra, quản lý. Rà soát, cập nhật, ban hành mới các quy định về quản lý các vấn đề cụ thể như sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, thực phẩm nhập lậu, hàng giả...
Các Bộ, cơ quan ở trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, tránh hình thức, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024.
Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm
Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, điều tra và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như các đô thị lớn, các tuyến biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý việc quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trên thị trường. Đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm trên các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, đa cấp; quy định rõ các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất cơ chế, chính sách quản lý thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, phối hợp với Bộ Y tế triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, trong đó bổ sung thành viên là một số hội, hiệp hội có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024.