Ảnh minh họa: Anh Thư - Mekong ASEAN. |
Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 68/QĐ-TTg quy định về các nội dung Chương trình thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.
Cụ thể, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ kết nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng sản phẩm trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Các hoạt động chính gồm khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng; lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế. Tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến giữa doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý trong quản trị doanh nghiệp và sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua các hoạt động như đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, đánh giá hệ thống quản lý sản xuất tại doanh nghiệp.
Chương trình sẽ tổ chức các khóa đào tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu thông qua giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước...
Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp và đóng tàu...
Dự kiến kinh phí thực hiện hơn 870 tỷ đồng
Theo quyết định trên, kinh phí thực hiện chương trình sẽ lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện, dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó 750,2 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước và 120,5 tỷ đồng là nguồn vốn khác.
Hằng năm, Bộ Công Thương lên chương trình và đề xuất kinh phí, Bộ Tài chính sẽ cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (đối với kinh phí trung ương).
UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước của địa phương (đối với kinh phí địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.
Nguồn vốn khác bao gồm nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.