'Chốt sổ' thị trường chứng khoán 2022: Khối ngoại mua ròng kỷ lục

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
12:16 - 31/12/2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, khối ngoại đảo chiều giải ngân mua ròng tổng cộng 29.130 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi bán ròng hơn 62.500 tỷ đồng năm 2021.

Thị trường chứng khoán (TTCK) kết thúc năm 2022 trong sắc đỏ khi các chỉ số đồng loạt sụt xuống dưới mức tham chiếu. Phiên giao dịch cuối cùng ngày 30/12, VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 1.007,09 điểm và HNX-Index giảm 1,23 điểm, còn 205,31 điểm.

Sau một năm, VN-Index đã rớt mất 491,19 điểm, tương đương bốc hơi 32,7% giá trị vốn hóa trong khi cả năm 2021 tăng gần 36%. Trong khi đó, HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất đến 268,68 điểm, tương ứng giảm 56,7% so với cuối năm trước.

Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng khi khối ngoại liên tục mua ròng. Theo thống kê trong năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 29.130 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, đối lập với con số nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 62.538 tỷ đồng năm 2021.

Theo đó, đây là năm đứng thứ hai về giá trị mua ròng cổ phiếu của khối ngoại, chỉ xếp sau năm 2018 (41.783 tỷ đồng). Chỉ tính riêng hai tháng cuối năm nay, nhà đầu tư ngoại xuống tiền khoảng 30.250 tỷ đồng mua ròng trên thị trường. Tháng 11 ghi nhận quy mô mua ròng kỷ lục với hơn 16.900 tỷ đồng.

Dòng vốn ETF tăng mạnh

Nổi bật, các quỹ ETF đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Dữ liệu thống kê mới nhất từ VnDirect cho thấy, Việt Nam ghi nhận dòng vốn vào ròng đến từ các ETF với giá trị đạt 12.636 tỷ đồng trong Q4/2022.

Cụ thể, các quỹ ETF đã ghi nhận dòng vốn vào ròng với giá trị đạt 12.636 tỷ đồng tương đương 537 triệu USD vào Việt Nam trong Q4/2022 so với chỉ 6,4 tỷ đồng trong Q3/2022.

Trong số các quỹ ETF, Fubon ETF có dòng tiền vào ròng lớn nhất trong Q4/22 với 5.252 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 41% tổng dòng vốn, tiếp theo là VNDiamond ETF với 2.890 tỷ đồng chiếm 22,6% tổng dòng vốn và V.N.M ETF với 2.762 tỷ đồng chiếm 21,6% tổng dòng vốn.

Trong năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỷ đồng tương đương 880 triệu USD, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự đóng góp lớn của Fubon ETF (tương đương 53,2% tổng dòng vốn vào) và ETF VNDiamond (32,8% tổng dòng vốn vào). Dòng vốn vào ròng của các ETF chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022.

Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm mua ròng

Cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại "ưa chuộng" khi mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 7.700 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trong đó, mã STB - Cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín dẫn đầu về giá trị mua ròng trong năm 2022 với gần 4.600 tỷ đồng. Theo sau, CTG - Cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam cũng ghi nhận giá trị mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng.

Dẫn đầu nhóm mua ròng, song ở chiều ngược lại, quán quân bán ròng cũng thuộc về một cổ phiếu nhóm ngân hàng: EIB - Cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bị khối ngoại bán ròng 4.620 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu hóa chất giữ vị trí thứ hai với giá trị mua ròng 6.644 tỷ đồng. Cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đứng thứ hai về giá trị mua ròng trên toàn thị trường với hơn 3.140 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tích cực mua ròng DPM - Cổ phiếu Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí với 2.487 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng chứng kiến giao dịch sôi động với 4.880 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu MWG - Cổ phiếu Thế giới Di động được mua ròng mạnh nhất với 2.348 tỷ đồng, theo sau là PNJ - Cổ phiếu Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận với 1.041 tỷ đồng.

Một nhóm ngành cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khối ngoại trong năm 2022 là cổ phiếu bất động sản khi dòng tiền đổ vào hàng loạt mã như VHM - Cổ phiếu CTCP Vinhomes, NLG - CTCP Đầu tư Nam Long hay VRE - Cổ phiếu Công ty Cổ phần Vincom Retail lần lượt 2.210 tỷ đồng, 1.939 tỷ đồng và 1.177 tỷ đồng.

Song ở chiều ngược lại, NVL - Cổ phiếu Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ghi nhận bán ròng tới 3.511 tỷ đồng và VIC - Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup tới 2.933 tỷ đồng.

Với bên bán, cổ phiếu thép dẫn đầu về quy mô bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE với 4.270 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu HPG - Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát chỉ đứng sau EIB về giá trị bán ròng trên thị trường khi bị bán mạnh gần 4.200 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại trong năm 2023

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, hiện tại, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn tích sản hấp dẫn khi lần thứ 5 trong lịch sử định giá P/E về dưới mức 11 lần.

"Giai đoạn điều chỉnh mạnh của thị trường vừa qua chính là dấu chấm hết cho một chu kỳ tiền rẻ trước đó, để mở ra giai đoạn mới với động lực tăng bền vững hơn từ tăng trưởng nội tại của từng doanh nghiệp. Vì vậy, đây được xem là cơ hội thích hợp cho những nhà đầu tư dài hạn", TPS đánh giá.

Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong năm 2023.

Trong kịch bản cơ sở, sau giai đoạn tích lũy và vượt kênh giá giảm, TPS cho rằng đây là tín hiệu xác nhận cho việc thị trường đã tạo đáy, đồng thời kết thúc sóng điều chỉnh để chuyển sang Uptrend. Trong kịch bản này, mức giá mục tiêu mà chỉ số có thể hướng đến là vùng 1.000 – 1.200 điểm.

Trong kịch bản tích cực, mục tiêu giá của thị trường sẽ gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.320 điểm (tương đương vùng đỉnh tháng 6 và tháng 8/2022).

Ở kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11/2022 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình 2 đáy trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm.

Đáng chú ý, theo TPS, câu chuyện thu hút dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam. Bên cạnh đó, làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.

Đọc tiếp