Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về định hướng phát triển tập đoàn tại ĐHĐCĐ 2023. |
Chiều 6/4, CTCP Tập đoàn FPT (mã FPT) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT cho biết, lợi nhuận của FPT tiếp tục tăng trưởng bền vững trên 3 chân kiềng: Công nghệ, viễn thông và giáo dục.
Đáng chú ý, trong năm qua, thị trường quốc tế mang về kết quả nổi trội với doanh số ký mới đạt gần 1 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ nhờ hoạt động M&A tăng trưởng mạnh với doanh thu gấp 5, lợi nhuận gấp 10, lần đầu tiên có khách hàng 100 triệu USD.
Năm 2023, ông Khoa nhận định đây vẫn là một năm bất định, có nhiều điều khó đoán. “Khách hàng không thuận lợi thì chúng tôi cũng không thể thuận lợi”, ông Khoa nói. Tuy nhiên, FPT vẫn cam kết tăng trưởng bền vững, với chiến lược “tìm cơ trong nguy”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tuyển nhân sự cấp cao...
Cụ thể, năm 2023, FPT đặt kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ, tăng lần lượt 18,8% và 18,2% so với kết quả năm 2022.
Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu nhiều nhất với 31.150 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% tổng doanh thu. Hai khối viễn thông và giáo dục, đầu tư khác mục tiêu tăng trưởng lần lượt 14% lên 16.739 tỷ đồng và 25% lên 4.400 tỷ đồng.
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết thêm, FPT đặt mục tiêu chinh phục các hợp đồng hàng trăm triệu USD tại Mỹ và Nhật Bản. Mỗi năm đầu tư 30-50 triệu USD cho hoạt động M&A, đẩy mạnh ở châu Âu, Á, Mỹ Latinh để tăng khả năng tiếp cận các múi giờ trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa báo cáo kết quả kinh doanh 2022. |
Thảo luận tại đại hội:
Xu hướng tiếp theo của công nghệ?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Cuộc sống thật sẽ phong phú hơn rất nhiều nếu kết hợp cuộc sống thực và không gian số. Đây sẽ là xu hướng tiếp theo của công nghệ, trong đó quan trọng nhất là công nghệ blockchain, phải có cộng đồng trên không gian đó. Tôi tin rằng sẽ có một ngày chúng ta sống trong không gian có thực và có số.
Đâu là yếu tố giúp FPT cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Trước đây, những công ty công nghệ vươn ra quốc tế chủ yếu đến từ Ấn Độ (hiện vẫn giữ vị trí số 1), Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản đã rút về nhiều và hiện chỉ có 2 quốc gia vươn mạnh ra thế giới là Ấn Độ và Việt Nam.
Các yếu tố tiếp theo là ngoại ngữ và nhân sự. Việt Nam có lợi thế là quốc gia đông người, có hàng triệu bạn trẻ bước vào đời mỗi năm, đồng thời học rất nhanh. FPT có cách thức để đáp ứng nhu cầu nhân lực, mặc dù chỉ học 3 tháng ra làm việc nhưng các đề án vẫn “chạy” tốt.
Tình hình khó khăn của bối cảnh vĩ mô thế giới có tác động đến FPT?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Bối cảnh khó khăn của thế giới hiển nhiên tác động đến công ty. Như ngành ô tô đang vô cùng khó khăn. Tuy nhiên chính lúc khó là cơ hội, vì ai cũng cần cắt ngân sách, nhưng cái không cắt được là bảo hành bảo trì hệ thống đó. FPT luôn tìm cơ hội để len lỏi.
Tập đoàn có kế hoạch M&A tiếp không?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Chúng tôi rất muốn M&A và liên tục tìm kiếm cơ hội. FPT thường M&A vào các công ty tư vấn để móc toa cùng với họ đưa sản phẩm đến khách hàng. FPT đi đến đâu cũng muốn lắp toa đến đấy, để tàu đi nhanh hơn.
Nhận định về làn sóng sa thải nhân sự tại các công ty công nghệ?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Covid-19 đã làm thay đổi cách làm việc của giới công nghệ, lập trình phần mềm ngồi đâu làm cũng được. Từ đó dẫn đến xu thế các kỹ sư làm cho nhiều công ty, giúp thu nhập của lập trình viên trong thời gian Covid tăng gấp 3 lần, mặt bằng lương của kỹ sư phần mềm tăng đột biến. Vì vậy, các công ty buộc phải giữ người ở lại làm nhiều việc hơn, và cho ra đi những người không thể đáp ứng lương. Còn toa tàu chuyển đổi số vẫn lao về phía trước, người rất thiếu.
Kế hoạch triển khai mảng giáo dục ra toàn cầu?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Ý tưởng có đại học ở Pháp, Mỹ đã đeo đuổi FPT từ cách đây chục năm, tuy nhiên chưa có cơ hội mua. Ở bên Mỹ có vấn đề là không tuyển sinh được, thừa trường đại học, chúng tôi đang theo dõi để tìm kiếm cơ hội. Thực tế FPT đã mở trường ở Nhật nhưng chỉ đào tạo tiếng Nhật cho kỹ sư Việt Nam. Kế hoạch đưa mảng giáo dục ra toàn cầu rất nghiêm túc nhưng không phải bằng mọi giá.
FPT có kế hoạch IPO trên thị trường quốc tế không?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Theo quan điểm cá nhân của tôi thì IPO quốc tế không rõ ràng về lợi ích. Nó có tác dụng là định danh công ty quốc tế, nhưng thực tế FPT không cần niêm yết vẫn có thể đi ra thế giới. Những tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ cũng không IPO. Trong khi đó, thủ tục IPO thì “kinh hoàng”, rất tốn kém, vất vả. Vậy có nên trả giá cao cho mục tiêu không rõ ấy không? Tất nhiên khi nhìn thấy mục tiêu rõ ràng, chúng tôi sẽ suy nghĩ.
Việc phát hành ESOP lớn cho cán bộ cấp cao như tổng giám đốc, có làm loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông khác?
Chủ tịch Trương Gia Bình: Phát hành ESOP của FPT có 2 loại: Cổ phiếu thưởng kết quả kinh doanh và chia từ cấp 4 trở lên. Còn một loại khác là dành cho cán bộ thay thế chúng tôi, để có sự trường tồn cho FPT. FPT cần một đội ngũ quy hoạch, cam kết cả đời phải chiến đấu như chúng tôi đã từng chiến đấu, và bồi dưỡng họ liên tục. Với mức chia ESOP như vậy thì các lãnh đạo cũng chỉ sở hữu một lượng rất nhỏ, hơn nữa cổ phiếu cũng block 10 năm. FPT không có khái niệm ông chủ một người mà tập thể là anh em.