Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương cho biết ngân hàng trình cổ đông việc tiếp tục cho phép ngân hàng tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn đồng ý cho NCB đồng ý tăng 6.200 tỷ đồng này. NCB hiện vẫn phải tiếp tục thực hiện hàng loạt thủ tục pháp lý. Theo lộ trình mà NCB xây dựng, phải tới cuối quý 4/2024, ngân hàng này mới hoàn tất việc thu hút vốn và tăng vốn điều lệ lên 6.200 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ NCB: Quyết tâm tăng vốn lên gần 12.000 tỷ đồng
Theo phương án phát hành, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ, giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Số tiền thu về, ngân hàng sẽ dành khoảng 300 tỷ đồng cho hoạt động công nghệ, 300 tỷ đồng để triển khai nâng cao giá trị nhận diện thương hiệu, phần còn lại dùng hoàn toàn để nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực tài chính của NCB.
Theo bà Hương, việc tăng khả năng chịu đựng về tài chính, nâng cao vốn điều lệ sẽ giúp cho NCB đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng các quy định pháp luật và các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Lý do phát hành cổ phiếu riêng lẻ, bà Hương cho biết NCB luôn cam kết đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm hiện tại, ngân hàng không thể phát hành cho cổ đông hiện hữu do NCB không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy mà NCB phải phát hành riêng lẻ.
Về giá chào bán 10.000 đồng/CP, theo bà Hương con số này không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu NVB. Theo BCTC năm 2023, giá trị sổ sách của NCB là 9.000 đồng/CP. Do đó lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ hoàn toàn được bảo vệ, thậm chí còn tốt hơn.
NCB đã thuê công ty kiểm toán Enrst and Young đánh giá tình hình tài chính, để đưa ra bức tranh toàn cảnh của ngân hàng từ năm 2021. Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, cả nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, không chỉ riêng NCB.
Tỷ lệ nợ có vấn đề của NCB hiện ở mức cao, đây cũng là lý do khiến NCB báo lỗ năm 2023. Theo quy định, ngân hàng phải dừng dự thu, thoái các khoản lãi dự thu và trích lập dự phòng rủi ro. Riêng những khó khăn của khách hàng trong giai đoạn 2019-2023, NCB phải chi trả khoảng 2.000 tỷ đồng chi phí cho những khoản không sinh lời.
Bà Hương cũng cho biết, năm 2023 NCB ghi nhận lỗ nhưng hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn bao phủ được một phần chi phí, khoảng 1.300 tỷ đồng. Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, thực trạng này còn tiếp diễn trong một thời gian nữa, không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được.
Đề xuất rà soát tinh chỉnh đề án cơ cấu lại, cập nhật lại tình hình tài chính đến cuối năm 2023, dự kiến tổn thất tài chính phải xử lý vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Năm 2024, NCB dự kiến tiếp tục không có lợi nhuận, nhanh nhất phải tới năm 2028 mới hết những vấn đề tồn động phải xử lý. Nếu thị trường có những cú sốc về kinh tế, dự kiến thời gian xử lý có thể kéo dài thêm hơn nữa.
“Nhiều năm không có lợi nhuận mà nhà đầu tư vẫn sẵn sàng vào tiền để vực dậy tình hình kinh doanh thì NCB vẫn vô cùng biết ơn nhà đầu tư mới,” Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ tại đại hội. Bà cho biết, NCB vẫn đang tiếp tục đi tìm cổ đông riêng lẻ, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng quản trị.
Bà Hương cũng bày tỏ sự đồng cảm với cổ đông đầu tư lâu dài vào NCB, nhưng cho rằng tỷ lệ sở hữu có thể giảm xuống nhưng giá trị của ngân hàng sẽ tăng lên, cao hơn nhiều so với con số hiện tại.