Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. |
Chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013), nhằm củng cố các tuyến thương mại kết nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Tính tới tháng 4/2019, Trung Quốc cùng với 126 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã ký tổng cộng 174 thỏa thuận hợp tác liên quan đến BRI.
Hồi tháng 11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hai bên đang tiếp tục thảo luận các nội dung để cụ thể hóa Bản ghi nhớ này.
Về quan hệ giữa hai nước, thời gian qua, quan hệ tổng thể giữa hai bên duy trì sự phát triển tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm ngoái.
Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 175 tỷ USD, tăng 5,47%. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 122 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 42,9 tỷ USD, tăng gần 4%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 79,2 tỷ USD, giảm 14%.
Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án.
Lũy kế đến tháng 9/2023, Trung Quốc là đầu tư lớn thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26 tỷ USD.