Máy bay chở ông Tập Cận Bình hạ cánh tại sân bay Vnukovo, Moscow chiều 20/3. Ảnh: TASS |
Theo hãng thông tấn TASS, máy bay thuộc hãng hàng không Air China chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ cánh xuống sân bay Vnukovo của Moscow. Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tới thăm Nga kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague ra trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo lịch trình được hãng tin Guardian trích dẫn, 2 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán không chính thức trong ngày 20/3, theo sau đó là các cuộc đàm phán chính thức vào những ngày sau đó. Một số tuyên bố chung cũng dự kiến sẽ được kí kết bởi ông Putin và ông Tập trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày này.
Nhận định về chuyến thăm, TASS trích dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Nga vẫn luôn là các đối tác đáng tin cậy và là láng giềng tốt. Do đó, ông kỳ vọng chuyến thăm Nga sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác và chiến lược Nga - Trung.
Trong một bài báo công bố bởi Điện Kremlin ngày 19/3, ông Putin cũng có thái độ tương tự khi khẳng định ông đang có những “kỳ vọng cao” về việc cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có kết quả tốt đẹp. Cụ thể, ông cho biết: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc những kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho toàn bộ quan hệ hợp tác song phương”.
Ngoài ra, ông cũng ca ngợi “sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc đóng vai trò mang tính xây dựng” nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài một năm ở Ukraine. Đồng thời, ông bày tỏ sự biết ơn tới Bắc Kinh vì lập trường “cân bằng” đối với các sự kiện ở Ukraine cũng như sự hiểu biết của Bắc Kinh về bối cảnh của cuộc xung đột cũng như “những lý do thực sự” đằng sau nó.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đề nghị làm trung gian hòa bình tại Ukraine. Trước đó vào ngày 24/2 – đúng một năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine – Trung Quốc đã công bố một tài liệu 12 điểm mang tên “lập trường về giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine”.
Bản đề xuất này bao gồm các nội dụng như kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo. Động thái này cũng thể hiện lập trường của Trung Quốc từ đầu chiến sự tới giờ chính là không tán thành xung đột và kêu gọi các bên nối lại đàm phán.