Chủ tịch VNDIRECT: Tăng vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì cạnh tranh

VND VNdirect
15:15 - 17/06/2023
Tổng giám đốc Phạm Minh Hương và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long chủ trì Đại hội. Ảnh: Minh Phong
Tổng giám đốc Phạm Minh Hương và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long chủ trì Đại hội. Ảnh: Minh Phong
0:00 / 0:00
0:00
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) được tổ chức thành công ngày 17/6, qua đó thông qua nhiều kế hoạch kinh doanh quan trọng.

Tại đại hội, cổ đông VNDIRECT đã nhất trí thông qua 4 phương án phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 18.024 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công các đợt tăng vốn này, VNDIRECT sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất hệ thống. Hiện tại, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất là SSI với 15.0111 tỷ đồng, xếp sau là VPBank Securities với 15.000 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long cho biết, cơ hội của thị trường vốn nhiều, mở rộng nguồn vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì cạnh tranh, trước áp lực của thị trường và các công ty chứng khoán khác có vốn của ngân hàng.

Ở phương án phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài. Ông Long cho biết VNDIRECT thực sự đang cần một đối tác chiến lược, có thể là các quỹ đầu tư đã có những kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam hay nước ngoài trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, qua đó kiện toàn và nâng cao năng lực quản trị.

Đối với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, theo Chủ tịch VNDIRECT, hàng năm công ty vẫn duy trì tỷ lệ phát hành từ 10% - 20%. Đây là chiến lược để duy trì sức tăng trưởng của nguồn vốn ổn định, bởi vì khi phát hành riêng lẻ, công ty mất nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược và sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Về phương án phát hành cổ phiếu ESOP, trước đây VNDIRECT có ý định nhưng chưa thực hiện vì có nhiều thay đổi nhân sự. Công ty cần thời gian để kiện toàn bộ máy, xác định nhân sự. Đây là năm đầu tiên sau giai đoạn tái cấu trúc, bộ máy công nhân viên cốt lõi đã tương đối rõ ràng, HĐQT và ban lãnh đạo cảm thấy việc phát hành cổ phiếu ESOP là điều cần thiết nhằm gắn kết với tổ chức và người lao động.

VNDIRECT luôn muốn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn trong năm 2022 và biến động của 2023, năm nay công ty trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu như thị trường hồi phục, chúng ta có thể điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Giải đáp những quan ngại về trái phiếu

Chủ đề trái phiếu thu hút sự chú ý của cổ đông VNDIRECT. Ảnh: Minh Phong

Chủ đề trái phiếu thu hút sự chú ý của cổ đông VNDIRECT. Ảnh: Minh Phong

Một trong những chủ đề được cổ đông tại đại hội quan tâm nhất là trái phiếu. Chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc Phạm Minh Hương cho biết, VNDIRECT lựa chọn các doanh nghiệp để hợp tác nhằm kiến tạo những sản phẩm tốt cho nhà đầu tư cá nhân. Các ngành được công ty ưu tiên là năng lượng, dịch vụ hạ tầng, dịch vụ y tế, du lịch, công nghệ, đây đều là những ngành sẽ có nhu cầu về vốn và phát triển rộng lớn trong tương lai.

Trong số những doanh nghiệp mà VNDIRECT đang hợp tác, Trung Nam là đại diện của ngành năng lượng, đây là một trong những công ty có tiềm năng và năng lực thực hiện và tìm kiếm các dự án đầu tư. Trung Nam nếu có được điều kiện vốn, công ty này sẽ có thể thực hiện tốt mảng hạ tầng năng lượng và đóng góp cho nền kinh tế.

Các giao dịch của VND với Trung Nam đều được nghiên cứu kỹ và đồng bảo lãnh phát hành với Ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên cũng như các trái phiếu khác, Trung Nam chịu nhiều áp lực sau sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra. Để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, VNDirect phải mua lại khá nhiều trái phiếu, bao gồm cả Trung Nam.

Theo bà Phạm Minh Hương, rủi ro chính sách về thu mua điện, hay rủi ro của thị trường vốn như sự kiện Vạn Thịnh Phát đều là những rủi ro tạm thời, VNDIRECT đều đánh giá trước khi quyết định tham gia bảo lãnh phát hành. Rủi ro mà công ty không lường trước được là việc bán lại của nhà đầu tư, khiến công ty phải mua lại lượng lớn trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường.

Hiện nay lượng tài sản đảm bảo mà VNDIRECT đang nắm giữ ví dụ như lượng lớn platform của mảng năng lượng vẫn được đảm bảo, đây vẫn là mảng tiềm năng của nền kinh tế. Về ngắn hạn, vốn của VND vẫn đang lớn, lãi suất giảm thì nhà đầu tư sẽ bắt đầu mua lại trái phiếu, hạ bớt áp lực thanh khoản ngắn hạn của công ty.

Trung Nam trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh EVN chưa đạt được thỏa thuận mua điện từ các dự án nằm ngoài Quy hoạch điện 7. Thời gian gần đây cả nước đang thiếu điện, tất cả các nhà máy điện của Trung Nam đều được yêu cầu chạy tối đa công suất và hầu hết các nhà máy của Trung Nam đều có dòng tiền dương.

Trong khi đó, Chủ tịch Nguyễn Vũ Long nhận định, bài toán lớn nhất của thị trường vốn thời điểm hiện tại là chất lượng hàng hóa, hàng hóa phải chất lượng thì thị trường mới phát triển bền vững. Ở thị trường chứng khoán hiện tại, 40% vốn hóa là ngân hàng, 30% là bất động sản trong khi phần còn lại của nền kinh tế chỉ chiếm 30%.

Một nền kinh tế chỉ có ngân hàng hay bất động sản thì khó có thể phát triển. Ngân hàng chỉ có vai trò thúc đẩy, tạo đà luân chuyển vốn.

“Một trong những sứ mệnh của VNDIRECT trong việc bảo lãnh phát hành không chỉ là tư vấn phát hành trái phiếu mà còn kiến tạo những nguồn hàng hóa có chất lượng cho thị trường đầu tư Việt Nam, hàng hóa ở đây có thể là trái phiếu hay cổ phiếu”, ông Nguyễn Vũ Long chia sẻ với cổ đông.

Thông qua loạt quyết định quan trọng

Tại Đại hội, cổ đông VNDIRECT thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16% còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm trước.

Trong đó, dịch vụ đầu tư tài chính vẫn sẽ là mảng đóng góp lớn nhất với mục tiêu doanh thu đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2022. Doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư dự kiến tăng 4% lên 200 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu doanh thu dịch vụ chứng khoán lại giảm 35% xuống còn 860 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế từ đó cũng giảm 82% về còn 136 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Minh Hạnh sau khi vị này nộp đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân, bà Nguyễn Ngọc Mai được bầu vào vị trí bà Hạnh để lại.

Sinh năm 1994, bà Nguyễn Ngọc Mai từng là trợ lý kiểm toán và kiểm toán viên của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC. Giai đoạn 2022 đến nay, bà Mai là chuyên viên kế toán kiểm toán của CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA).

Một trong những tờ trình đáng chú ý khác được cổ đông VND chấp thuận là việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (Công ty IPAAM). Phần vốn góp chuyển nhượng tương đương 100% vốn điều lệ của IPAAM. Giá chuyển nhượng do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 160 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.