![]() |
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên VPBank. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN |
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra chiều 28/4, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng đã có những chia sẻ đáng chú ý về tiến trình tái cấu trúc ngân hàng GPBank. Hiện GPBank vẫn hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập và không hợp nhất báo cáo tài chính vào hệ thống VPBank.
Theo ông Dũng, quá trình tiếp nhận và tái cơ cấu GPBank đã được VPBank chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng qua. Kể từ khi chính thức tiếp quản vào tháng 3 năm nay, VPBank đã nhanh chóng triển khai các bước đầu tiên trong đề án tái cơ cấu, trong đó có việc công bố danh sách nhân sự chủ chốt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trong ngày hôm nau. Đây là bước đi quan trọng nhằm ổn định bộ máy điều hành GPBank.
Song song đó, VPBank đang hoàn thiện chiến lược phát triển cho GPBank với sự tư vấn từ McKinsey – một trong những hãng tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới. Tất cả các lĩnh vực hoạt động của GPBank cũng đã được rà soát và xây dựng chương trình hành động chi tiết nhằm phục hồi và phát triển bền vững.
Nói về tình hình kinh doanh tại PGBank, ông Dũng cũng chia sẻ, trung bình mỗi năm trước khi tiếp nhận, GPBank ghi nhận khoản lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kế hoạch tái cấu trúc bài bản và quyết liệt, ông tin tưởng GPBank sẽ đạt được bước ngoặt ngay trong năm 2025. "Mặc dù chỉ còn 8 tháng, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu GPBank không chỉ dừng lỗ mà còn ghi nhận lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ đồng," ông Dũng nói.
"Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và bám sát thực tiễn, nên tôi hoàn toàn tin tưởng chúng tôi sẽ tái cơ cấu GPBank thành công," ông khẳng định với các cổ đông.
Ngoài ra, lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ, với việc tham gia tái cơ cấu GPBank, VPBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép nới room sở hữu nước ngoài lên tối đa 49%. Ông Dũng chia sẻ: "Chắc các cổ đông cũng theo dõi trên thị trường thấy rằng room ngoại của VPBank hiện nay vẫn chưa được sử dụng hết. Việc nới room này sẽ tạo thêm dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngân hàng, đồng thời hỗ trợ cho chiến lược tăng vốn và mở rộng quy mô của VPBank trong thời gian tới".
| |
Chúng ta có thể sử dụng phần room còn lại từ 30% lên đến 49% để nâng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược hiện tại hoặc mời thêm các đối tác lớn mới. Việc mở room lên tối đa 49% là rất cần thiết và tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển trong tương lai. | |
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng (giữa) trong phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 |
Lập công ty bảo hiểm nhân thọ là bước đi cần thiết
Liên quan tới vấn đề thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân chia sẻ, VPBank hiện đã phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngân hàng đơn lẻ và đang tiến dần tới mô hình tập đoàn tài chính. Trong hệ sinh thái VPBank đã có công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Hai mảnh ghép tiếp theo mà ngân hàng đang muốn bổ sung là công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ.
"Việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là bước đi chiến lược cần thiết vì đây là một thành phần không thể thiếu trong mô hình tập đoàn tài chính. Ngoài ra, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, chúng ta sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Do đó, chúng tôi xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác," ông Quân nói.
Theo đại diện VPBank, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng. Dù việc thành lập công ty này sẽ liên quan đến một số vấn đề thủ tục và cam kết với đối tác hiện tại, nhưng Hội đồng Quản trị tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được phương án hợp lý và có lợi nhất cho ngân hàng.
"Trong quá trình triển khai OPES - công ty bảo hiểm số, chúng ta cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng và vận hành một công ty bảo hiểm. Với lợi thế hiện tại về công nghệ số, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của AI và các giải pháp số hóa tại VPBank, chúng tôi tin rằng việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lần này sẽ giúp tổ chức này vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu và mang lại hiệu quả tối ưu. Công ty mới này cũng sẽ vận hành độc lập về tài chính, vốn chủ sở hữu," lãnh đạo VPBank thông tin.