Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình kiến nghị giải pháp 'cứu' doanh nghiệp bất động sản

HBC giải cứu
13:19 - 17/02/2023
Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.
Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.
0:00 / 0:00
0:00
Nợ là vấn đề lớn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay, vì vậy Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải kiến nghị Chính phủ có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn và có giải pháp hỗ trợ giãn nợ.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM có văn bản kiến nghị gửi tới hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra sáng 17/2.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp bất động sản có đóng góp rất lớn cho kinh tế chung cả nước, đồng thời kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, có những biến cố không ai có thể lường trước được đã gây đổ vỡ thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, nghiêm trọng nhất là đại dịch Covid-19 và chiến tranh Đông Âu. Hai biến cố này tác động gián tiếp gây bất lợi cho ngành bất động sản.

Các chủ đầu tư bất động sản có quy mô hầu hết đều tham gia các dự án bất động sản du lịch lớn. Tuy nhiên do các biến cố trên, chủ đầu tư không thể đưa vào khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch bởi không có khách du lịch quốc tế. Tình trạng nguồn cung quá lớn so với cầu, gây ra tồn đọng sản phẩm. Tỷ lệ sản phẩm đưa vào khai thác quá thấp và giá khai thác cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều khách sạn, resorts, khu vui chơi giải trí cho đến bây giờ vẫn phải đóng cửa.

Bên cạnh đó là việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai nhiều dự án thiếu sự tính toán khoa học, điều chỉnh phù hợp khi có biến động. Trái phiếu huy động thường có lãi suất cao, có khi lên đến hơn 15%/năm. Do đó, doanh nghiệp chỉ “gồng gánh” 2 năm là hết phần vốn đối ứng.

Những biến động bất lợi trong nước và quốc tế lên đến 3 năm và nay đã bước sang năm thứ 4. Đây là nguyên nhân có tính chất bất khả kháng khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ bị rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, không có nguồn tiền trả lãi và trả gốc.

Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn nhưng theo ông Hải trong hệ sinh thái ngành bất động sản nguồn nhân lực còn lớn hơn rất nhiều. Khi khó khăn ập đến, không chỉ người lao động tại doanh nghiệp bất động sản sẽ mất việc mà còn kéo theo công ăn việc làm và sự sụp đổ của hàng loạt các doanh nghiệp liên quan khác như: Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng và cả các ngành tài chính, ngân hàng, tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án…

Doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn. Ảnh minh họa

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành bất động sản, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình kiến nghị Chính phủ có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn. Hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay, tránh tình trạng phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức, dẫn đến rủi ro rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Hải cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án. Khi kinh tế thế giới hồi phục, chiến tranh kết thúc, hoạt động du lịch trở lại nhộn nhịp thì các bất động sản du lịch sẽ có nguồn thu cao và nguồn lợi đó cần được giữ cho các doanh nghiệp trong nước để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

“Trong thời gian này chúng ta cần làm tất cả những gì có thể làm được để thu hút du khách quốc tế, bao gồm xoá visa cho một số quốc gia, đầu tư quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực ngành, nâng cao chất lượng hạ tầng (cứng và mềm)…”, ông Hải nêu thêm giải pháp hỗ trợ.

Về lâu dài, ông Hải cho rằng Chính phủ phải đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo không còn tình trạng “chỗ thì quá nhiều dự án dẫn đến thừa cung, chỗ thì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Đồng thời thiết lập cổng thông tin tổng thể đúng nghĩa về quy hoạch, xây dựng và giao dịch bất động sản nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án đang triển khai và đang xin phép đầu tư tại từng địa phương trên cả nước, để nhà đầu tư có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường có sự chủ động điều tiết hoạt động đầu tư, phân kỳ triển khai xây dựng cho phù hợp với triển vọng thị trường.

Liên quan đến ngành xây dựng, Chủ tịch HBC cho biết, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng của Việt Nam hiện nay đã có vị trí cũng như sự phát triển nhất định, khẳng định được năng lực phát triển ra thị trường nước ngoài với những lợi thế cạnh tranh cao. Nếu có chiến lược đúng đắn mang tầm quốc gia, xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong khoảng 20 đến 30 năm tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp