Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 4.486,46 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp. Nasdaq Composite tăng 0,8% lên 15.021,81 điểm. Riêng chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones ngược dòng giảm nhẹ 6,15 điểm, tương đương 0,1%, xuống 35.258,61 điểm.
Hai chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục tăng khi nhà đầu tư lạc quan ở triển vọng mùa báo cáo tài chính hiện tại. Tuần trước, loạt ngân hàng lớn đã công bố báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận khả quan, qua đó đẩy các chỉ số chính tiến đến gần mức kỷ lục thời đại.
Tuy nhiên, bắt đầu phiên giao dịch 18/10, một số dữ liệu kinh tế đã làm xói mòn tâm lý lạc quan này. Chẳng hạn, Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP chỉ 4,9% trong quý III, một con số gây thất vọng, thấp hơn so với ước tính 5,2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters. Sản lượng công nghiệp của quốc gia này trong tháng 9 cũng thấp hơn ước tính.
Tại Mỹ, sản lượng công nghiệp cũng giảm gần 1,28% trong tháng 9 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 khi hạn chế về nguồn cung tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng sản xuất.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 1.627% cũng gây ra một số áp lực với thị trường cổ phiếu.
Tuy nhiên nhìn chung, thị trường vẫn lạc quan khi chờ đợi những cái tên như Netflix, Johnson & Johnson, United Airlines và Procter & Gamble công bố báo cáo tài chính vào ngày 19/10 tới (giờ Mỹ). Tesla, Verizon và IBM cũng dự kiến công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong tuần này.
Nhận định về triển vọng kinh tế Mỹ trong dài hạn, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda cũng có đánh giá tích cực: “Phố Wall đã kỳ vọng chi tiêu sẽ giảm xuống, nhưng hóa ra người tiêu dùng Mỹ không phải là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế. Dữ liệu doanh số bán lẻ tốt hơn mong đợi trong những tháng trở lại đây cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang mạnh mẽ trở lại vào kỳ nghỉ lễ sắp tới”.
Ed Hyman, Chủ tịch Evercore ISI thì cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể phục hồi mạnh mẽ hơn do độ trễ trong tác động của các biện pháp kích thích tiền tệ cũng như mở cửa kinh tế. Các thách thức chuỗi cung ứng có thể dần được cải thiện và nhu cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm sau. Sự phục hồi của tiền lương sẽ nâng cao thu nhập thực tế của người tiêu dùng”.
Trước đó, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã có một tuần thắng lợi. Chỉ số Dow Jones tăng 382 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước, kết thúc tuần với mức tăng tổng cộng 1,58%, mức tăng tuần tốt nhất kể từ tháng 6 đến nay. S&P 500 tăng 1,82% trong tuần, mức tăng tuần tốt nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, Nasdaq Composite có tuần tốt nhất kể từ cuối tháng 8 với mức tăng 2,18%.
Theo dữ liệu từ Coin Metrics, giá bitcoin hiện duy trì quanh mức 60.000 USD và giao dịch ở mức 61.769 USD tính đến 8 giờ 30 sáng 19/0 (giờ Việt Nam).