Chứng khoán Rồng Việt có quý lãi cao nhất sau 1 năm, vẫn 'gồng lỗ' DBC

VDSC CHỨNG KHOÁN
09:25 - 18/07/2023
Hội sở CTCP Chứng khoán Rồng Việt tại Quận 1, TP HCM.
Hội sở CTCP Chứng khoán Rồng Việt tại Quận 1, TP HCM.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số VN-Index hồi phục giúp Chứng khoán Rồng Việt hoàn nhập hơn 91,4 tỷ đồng từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục đầu tư đã trích lập. Đó cũng chính là lý do giúp lợi nhuận của công ty tăng mạnh.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2023 với doanh thu đạt 188 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản tăng mạnh nhất là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 20 tỷ đồng.

Doanh thu các hoạt động chính còn lại đều ghi nhận giảm, như lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 73 tỷ đồng, giảm 22%; doanh thu môi giới chứng khoán 59,2 tỷ đồng, giảm 6%. Đáng chú ý, chi phí hoạt động quý 2 của VDSC giảm mạnh 93% xuống còn 28 tỷ đồng.

Kết quả, công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 hơn 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 234 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, VDSC lãi sau thuế 161 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 129 tỷ đồng. Đây là thành tích tốt nhất của Chứng khoán Rồng Việt kể từ quý 2/2022.

Theo VDSC, kết thúc quý 2, VN-Index đóng cửa ở 1.120,8 điểm, tăng 11,23% so với cuối năm 2022; giá trị thanh khoản bình quân phiên trong quý đạt 16.012 tỷ đồng/phiên, giảm 21,9% so với cùng kỳ. Tuy vậy, sự hồi phục về điểm số của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh.

Chỉ số VN-Index hồi phục còn giúp công ty hoàn nhập được hơn 91,4 tỷ đồng từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục đầu tư đã trích lập trước đó; trong khi cùng kỳ năm 2022 công ty phải trích lập chi phí này hơn 209 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của VDSC là 4.469 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin của công ty là 2.013 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm nhưng tăng nhẹ 7,6% so với cuối quý 1.

Danh mục FVTPL của công ty đạt giá trị 1.227 tỷ đồng, giảm 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu 650 tỷ đồng và trái phiếu 577 tỷ đồng.

Trong quý 2, VDSC mua thêm cổ phiếu KDC với tổng số tiền đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Giảm mạnh tỷ trọng đối với các cổ phiếu TCB, QNS và ACB và tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu CTG.

VDSC tiếp tục nắm giữ nhiều nhất cổ phiếu DBC của Dabaco với giá trị 213 tỷ đồng, tạm lỗ 19%, tương đương 41 tỷ đồng. Tuy nhiên so với thời điểm đầu năm lỗ 99 tỷ đồng thì khoản đầu tư này đã cải thiện khá nhiều, tương ứng với sự phục hồi của DBC trên thị trường.

Với QNS, khoản đầu tư gốc của VDSC là 75 tỷ đồng, tạm lãi 21%, tương đương 16 tỷ đồng). Còn các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư của công ty đều ghi nhận âm ở thời điểm 30/6: ACB giá gốc 81 tỷ đồng (lỗ 615 triệu đồng); CTG giá gốc 69 tỷ đồng (lỗ 9%, tương đương 6,3 tỷ đồng); TCB giá gốc 47 tỷ đồng (lỗ 15 tỷ đồng)… Các khoản lỗ đều giảm so với đầu năm do giá các cổ phiếu phục hồi.

Về danh mục trái phiếu, công ty đang nắm giữ 232 tỷ đồng trái phiếu của Vietcombank.

Nợ phải trả của VDSC ở mức 2.232 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Công ty có 561 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng và hơn 1.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn, 127 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn.

Vốn chủ sở hữu đạt 2.236 tỷ đồng, gồm hơn 122 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Tin liên quan

Đọc tiếp