![]() |
Ảnh minh họa. |
VN-Index trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động với biên độ dao động lớn, rung lắc trong các phiên. Nỗ lực phục hồi trong phiên đầu tuần đã bị xóa sạch bởi áp lực bán liên tục xuất hiện và gia tăng mạnh trong các phiên còn lại khiến chỉ số lùi về dưới vùng điểm 1.040.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 19,75 điểm (-1,9%) xuống 1.039,56 điểm, HNX-Index giảm 2,66 điểm (-1,3%) xuống 207,32 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 27,2% so với tuần giao dịch trước đó lên 54.889 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 39,9% lên 6.784 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, gây thất vọng nhất trong tuần qua tới từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup. Cụ thể, VHM là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất với hơn 11,7 điểm kéo giảm. VIC và VRE cũng làm mất của chỉ số gần 4,2 điểm và 3 điểm. Tính riêng 3 mã kể trên đã lấy đi tổng cộng hơn 17,5 điểm của chỉ số.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua cũng khá ảm đạm. Trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất thì có 3 mã ngành này góp mặt là VPB, CTG và MBB, với tổng cộng hơn 9 điểm kéo giảm. Duy chỉ có VCB là khác biệt khi giúp chỉ số kéo tăng hơn 1 điểm.
Xét về nhóm ngành thì bất động sản tiêu cực nhất khi mất 3% vốn hoá, với các cổ phiếu tiêu biểu như VHM (-5,3%), NVL (-2,1%), PDR (-3,7%), DXG (- 7,2%), NLG (-8,9%), KDH (-6,5%)...
Cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh 2,6% với các đại diện tiêu biểu trong ngành có thể kể đến như BSR (-1,2%), PVD (-5,7%), PVS (-1,5%), PVT (- 4,7%)...
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng khoảng 1.298 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 13,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là VND và VHM với lần lượt 5,9 và 5,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, NKG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 3,7 triệu cổ phiếu.
Việc bứt phá trở lại sẽ khó khăn
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong tuần qua, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thông tin về một số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp. Cùng lúc, trên thị trường thế giới, biên bản cuộc họp Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát đi tín hiệu về việc động thái tăng lãi suất trong tương lai vẫn cần thiết.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần với nến đỏ giảm điểm thể hiện sự thất bại của nỗ lực phục hồi. Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực cho thấy áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến.
Bên cạnh đó, tại khung đồ thị tuần, việc VN-Index tiến sát về dải mây dày ichimoku cho thấy việc bứt phá trở lại của thị trường sẽ càng khó khăn hơn. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy trong phiên khi chạm các vùng hỗ trợ. Tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3 – 5 phiên tích lũy tích cực trở lại.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần giao dịch qua với thanh khoản gia tăng so với 2 tuần trước đó và vượt qua mức trung bình của 20 tuần gần nhất. Kết hợp với diễn biến giao dịch có thể thấy, áp lực bán đã gia tăng trong 4 phiên cuối tuần để phủ nhận hoàn toàn nỗ lực mua lên trong phiên đầu tuần.
Với tuần điều chỉnh vừa qua thì VN-Index đã kết tuần dưới vùng kháng cự trong khoảng 1.055-1.065 điểm (MA20-50). Tuy vậy, chỉ số này vẫn duy trì được trên ngưỡng hỗ trợ quanh 1.035 điểm (MA100). SHS kỳ vọng, trong tuần giao dịch tiếp theo, lực cầu gia tăng tại các vùng giá thấp có thể giúp cho thị trường hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự trong khoảng 1.055-1.065 điểm (MA20-50).
SHS cho rằng tình hình vĩ mô trong thời gian tới vẫn là một ẩn số khó dự đoán, đặc biệt là ở thị trường tín dụng, trái phiếu cũng như nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái và cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên xét tổng thể thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang khá hấp dẫn cho đầu tư trung - dài hạn, mặt khác có nhiều dòng cổ phiếu chủ chốt vẫn đang vận động tích cực, duy trì uptrend và còn có thể vượt đỉnh lịch sử như Bank (BID, VCB...) hay công nghệ (FPT)... Vì vậy có thể kỳ vọng khả năng phân hóa của các dòng cổ phiếu và cơ hội giải ngân vẫn sẽ xuất hiện.
Hướng giải ngân vẫn là tập trung vào các cổ phiếu mạnh đang có xu hướng tích lũy, phục hồi sớm và tiếp tục duy trì uptrend, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận, tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay.
![]() |
Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: MBS |
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong phiên cuối tuần (24/2), mặc dù thanh khoản thấp nhưng áp lực bán gần như chiếm lĩnh cả phiên, thể hiện qua việc giá đóng cửa dừng sát mức thấp nhất ngày. Với diễn biến này, khả năng thị trường sẽ kiểm lại vùng hỗ trợ 1.030 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo. Nhịp giảm có thể tạm dừng lại ở vùng này nhưng rủi ro đang gia tăng nên cũng cần cân nhắc khả năng giảm tiếp. Do vậy nhà đầu tư cần thận trọng và quan sát cán cân cung cầu của thị trường.
Còn Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã khép lại một tuần giảm điểm cùng xu hướng với chứng khoán thế giới. Với 3 tuần giảm liên tiếp, đa phần các thị trường trên thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50.
Theo MBS, một trong các lực cản khiến thị trường trượt dốc là việc khối ngoại bán ròng mạnh. Sau 4 phiên giảm liên tiếp và vị thế lỗ chiếm đa số, dòng tiền nội cũng co lại nhanh chóng. Thị trường nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng và dao động trong vùng 1.030 – 1.035 điểm trong bối cảnh trong nước không có thông tin hỗ trợ.