Ảnh minh họa |
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 mới cập nhật, SSI đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có lợi thế về định giá hấp dẫn, với mức P/E là 11,6 lần vào ngày 6/9/2024 - thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Đơn vị phân tích kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại các yếu tố nội tại trong nước, với các nhóm ngành triển vọng hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), xuất khẩu, ngân hàng, xây dựng/vật liệu xây dựng.
Với nhận định trên, SSI thêm mới ba cổ phiếu vào danh sách những mã triển vọng cùng với VNM và DPR. Đó là CTG, VLB và MWG. Đồng thời loại bỏ HAH và PNJ ra khỏi danh sách.
CTG (VietinBank)
VietinBank có lợi thế cạnh tranh dài hạn là ngân hàng lớn thứ ba Việt Nam về mặt tổng tài sản cũng như thị phần tín dụng và tiền gửi khách hàng, với mạng lưới trải khắp toàn quốc và hơn 20 triệu khách hàng. SSI kỳ vọng các yếu tố cơ bản của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện với chất lượng tài sản tốt dần lên và lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2025. Ngân hàng cũng đang tích cực hành trình số hóa và triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện tỷ lệ CASA cũng như tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) trong vài năm qua.
SSI cho rằng CTG sẽ tăng trưởng ổn định trong 2024-2025 với lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 29.200 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ) và 39.400 tỷ đồng (tăng 35%). Động lực tăng trưởng chính năm 2024 bao gồm cho vay (tăng 13% so với cùng kỳ), NIM cải thiện (2,95% so với 2,86% trong năm 2023 và 3% trong nửa đầu năm 2024), chi phí tín dụng ổn định (1,7%). Động lực tăng trưởng chính của năm 2025 sẽ là chi phí tín dụng giảm đáng kể còn 1,3%, sau 4 năm tích cực xử lý nợ xấu.
Theo SSI, cổ phiếu CTG hiện đang được giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2024 là 9,06x và 1,19x. Đối với 2025, P/E và P/B tương ứng là 6,72x và 1,0x.
VLB (CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa)
Doanh nghiệp sở hữu các mỏ đá lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, nguồn cung cấp cho các dự án hạ tầng trong khu vực. SSI cho rằng mỏ đá Tân Cang 1 của VLB sẽ là nguồn cung cấp chính cho các dự án Sân bay Long Thành, dự án vành đai 3, cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu và các dự án hạ tầng khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM; với ưu điểm gần, thuận tiện vận chuyển, chất lượng phù hợp cho các dự án cầu, đường. Mỏ đá Thạnh Phú cũng có sẵn hệ thống bến thủy nội địa để vận chuyển đá sang khu vực miền Tây Nam Bộ.
Đơn vị phân tích dự báo sản lượng khai thác tại các mỏ Tân Cang 1 và Thạnh Phú, Thiện Tân 2 trong năm 2024 sẽ tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
Doanh thu tiêu thụ đá của VLB trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp chính từ cung cấp đá cho dự án sân bay Long Thành. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp tăng 6%, đạt mức 33,5%, chủ yếu do giá bán tăng. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong 6 tháng đạt 104 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
VLB còn có tài chính lành mạnh khi không có khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn. Khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ (7% tổng tài sản ngắn hạn), cho thấy phần lớn hàng bán được thu tiền trực tiếp và công nợ nhỏ. Tỷ lệ tiền và các khoản tương đương tiền đạt 467 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản tại thời điểm cuối quý 2/2024.
SSI nêu yếu tố hấp dẫn đang là lợi thế của TTCK Việt Nam Theo đơn vị phân tích, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên TTCK Việt Nam cho giai đoạn cuối năm 2024, khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ. |
MWG (CTCP Đầu tư Thế giới Di động)
Về mảng điện thoại và điện máy, SSI cho rằng với vị thế đầu ngành và danh mục sản phẩm tối ưu hơn đối thủ, MWG có khả năng thương lượng cao hơn khi đàm phán với các nhà cung cấp, do đó giúp biên lợi nhuận phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, MWG tiếp tục đóng các cửa kém hiệu hỏa và tối ưu hóa chi phí, qua đó góp phần thúc đẩy biên lợi nhuận phục hồi.
Bách hóa Xanh tiếp tục duy trì doanh thu tại vùng cao. Việc mở mới cửa hàng và tối ưu hóa chi phí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của chuỗi này trong tương lai. Theo SSI, MWG đã tăng tốc mở mới cửa hàng với 15 cửa hàng mở mới trong tháng 8 (so với chỉ 3 cửa hàng mở mới trong 7 tháng đầu năm). Khi doanh thu trên từng cửa hàng ổn định, công ty có thể tự động hóa các hoạt động có tính lặp lại tại cửa hàng, qua đó tối ưu hóa chi phí. Các biện pháp liên quan đến ESG cũng giúp cắt giảm chi phí, bao gồm lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện (giảm 15% chi phí điện) và áp dụng mã QR để giảm sử dụng túi nhựa (giảm 6% túi nhựa sử dụng).
SSI dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2024-2025 của MWG lần lượt đạt 4.300 tỷ đồng (tăng 26 so với cùng kỳ) và 6.000 tỷ đồng (tăng 39%). Như vậy, lợi nhuận của MWG vẫn sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024 (tăng 17 lần so với nửa cuối năm 2023).
Tín hiệu tích cực khác là trong các tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng cổ phiếu MWG.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp đón tin vui? FTSE Russell cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được phân loại từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt xếp hạng sắp tới. |
Cổ phiếu bất động sản kỳ vọng 'thức giấc' Cổ phiếu bất động sản có nhịp phục hồi tốt trong tháng 8 vừa qua, được kỳ vọng sẽ "thức giấc" sau thời gian dài bị dòng tiền bỏ quên. |
Ba cổ phiếu trên HoSE rơi vào diện đình chỉ giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 6/9 có thông báo về việc 3 cổ phiếu rơi vào diện đình chỉ giao dịch. |