Ảnh minh họa |
Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 9 vừa phát hành, SSI cho biết, TTCK toàn cầu hầu hết hồi phục nhanh trở lại sau đợt bán mạnh tuần đầu tháng 8, Việt Nam cũng nằm trong số đó.
Lực bán mạnh ở tuần đầu tiên khiến chỉ số VN-Index lùi về mốc thấp nhất 1.188 điểm nhưng phục hồi ấn tượng ngay sau đó. Kết phiên 30/8 tại 1.283,87 điểm, VN-Index đã phục hồi 8% từ đáy ngắn hạn và tăng 32 điểm (2,6%) so với tháng cuối tháng 7. Chỉ số chỉ còn cách 1,36% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 6.
Thanh khoản thị trường chưa được cải thiện và ở mức khiêm tốn, đặc biệt khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ và dòng tiền đầu tư trong xu hướng chung là thận trọng trước thềm cuộc họp bản lề của Fed. Giá trị giao dịch bình quân tháng 8 xấp xỉ tháng liền trước, đạt 16.600 tỷ đồng, thấp hơn bình quân từ đầu năm 2024 là 20.400 tỷ đồng.
Phân bổ dòng tiền nghiêng về nhóm vốn hóa trung bình, trong khi đó giảm lại ở nhóm vốn hóa lớn. So với thanh khoản bình quân 7 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch chỉ gia tăng ở cổ phiếu các nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt; bảo hiểm; hàng cá nhân gia dụng và công nghệ thông tin. Điều này thể hiện tính thận trọng rõ nét của dòng tiền.
Khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng 3.770 tỷ đồng trong tháng 8, quy mô bán ròng đã giảm đáng kể so với các tháng trước. Tính từ đầu năm 2024, giá trị bán ròng tăng lên 64.700 tỷ đồng, vượt qua giá trị bán ròng cả năm 2021 là 62.400 tỷ đồng.
Dòng tiền khối ngoại có tín hiệu tái cơ cấu lại. Nhóm thép đang chịu áp lực bán ròng sau giai đoạn được mua ròng mạnh trong năm 2023, trong khi các nhóm tiêu dùng bao gồm bán lẻ và thực phẩm đang được mua ròng tích cực sau khi bị bán ròng nhiều trong năm trước. Cường độ bán ròng ở nhóm bất động sản đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.
Theo SSI, với tăng trưởng bình quân -0,6% trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index bình quân trong quý 4 hàng năm đạt mức tích cực +3,3%.
Dữ liệu lịch sử biến động VN-Index trong 14 năm. Nguồn: SSI |
Đơn vị phân tích cho rằng, định giá hấp dẫn đang là lợi thế của TTCK Việt Nam. P/E của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 6/9/2024, mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.
SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tích cực trên diện rộng, với mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, dòng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi Fed chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.
Định giá P/E TTCK Việt Nam đang tốt hơn các nước trong khu vực. |
Nhìn chung, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên TTCK Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ.
SSI kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước. Đơn vị phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục phân bổ danh mục cân bằng, vừa đảm bảo hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), xuất khẩu, ngân hàng, xây dựng/vật liệu xây dựng.
Cổ phiếu bất động sản kỳ vọng 'thức giấc' |
Loạt doanh nghiệp 'bốc hơi' lợi nhuận sau kiểm toán |
Ba cổ phiếu trên HoSE rơi vào diện đình chỉ giao dịch |