Bà Mariana Mazzucato, Giáo sư kinh tế tại Đại học London cho biết, các tập đoàn công nghệ đang góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng những trung tâm dữ liệu của họ lại đang hoạt động với "cái giá khổng lồ" cho môi trường.
Trung tâm dữ liệu được xem là hạ tầng của trí tuệ nhân tạo. Tốc độ bùng nổ nhu cầu về dữ liệu ngày càng lớn, do vậy phải cần đến các trung tâm dữ liệu là nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu. Đặc biệt, sự phát triển của AI tạo sinh (GenAI) được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp, tổ chức, đòi hỏi cần nhu cầu về trung tâm dữ liệu có công suất lớn.
Tuy nhiên, bà Mazzucato cho rằng, trung tâm dữ liệu phục vụ hạ tầng cho trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều khí thải nhà kính toàn cầu hơn so với các chuyến bay thương mại.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ) cho thấy, việc đào tạo một mô hình trí tuệ nhân tạo lớn có thể thải ra tới 284.000 kg CO2, tương đương gần gấp 5 lần lượng khí thải của một chiếc ô tô trong suốt vòng đời của nó (bao gồm cả quá trình sản xuất). Hay việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn BERT do Google phát triển, sử dụng năng lượng và thải ra CO2 tương tự với một chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương.
"Khi hình dung về ngành công nghệ, sẽ nghĩ đến những thứ trong không gian phi vật lý như các ứng dụng, phần mềm và trình duyệt Internet trên điện thoại di động. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cần thiết để lưu trữ, vận hành dữ liệu là những trung tâm dữ liệu vật lý đặt tại các khu công nghiệp vùng ngoại ô thành phố, lại tiêu thụ một lượng năng lượng khổng lồ," bà Mariana Mazzucato lập luận.
Bà Mariana Mazzucato lấy ví dụ, năm 2018, 5 tỷ lượt truy cập YouTube với bài hát Despacito đã sử dụng lượng năng lượng tương đương với nguồn năng lượng sưởi ấm 40.000 ngôi nhà ở Mỹ mỗi năm.
Cùng với đó, trung tâm dữ liệu toàn cầu của Google và các kế hoạch đầy tham vọng của Meta về một siêu cụm nghiên cứu AI mới càng nhấn mạnh bản chất tiêu tốn năng lượng của ngành công nghệ. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng, các cơ sở này có thể làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng.
Nhưng năng lượng không phải là vấn đề duy nhất, tờ The Guardian viết, lượng nước khổng lồ mà các trung tâm dữ liệu cần để làm mát các hệ thống cũng đã làm dấy lên mối lo ngại ở những khu vực thiếu nước. Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT được xem là một trong những công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Theo các nghiên cứu, việc làm mát các máy đào tạo ChatGPT-3 tại cơ sở dữ liệu của Microsoft ước tính tiêu tốn khoảng 700.000 lít nước.
Cứ 10-50 câu trả lời của ChatGPT chạy trên mô hình cũ hơn GPT-3 sẽ tương đương với uống một chai nước 500 ml. |
Một báo cáo mới đây do Giáo sư Shaolei Ren tại Đại học California (Mỹ) và các đồng nghiệp của ông phát hiện, cứ 10-50 câu trả lời của ChatGPT chạy trên mô hình cũ hơn GPT-3 sẽ tương đương với uống một chai nước 500 ml, mô hình GPT-4 đòi hỏi năng lực máy tính cao hơn nên sẽ cần "uống" nhiều nước hơn.
Khi các công ty công nghệ này đặt mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, họ thường có xu hướng chọn đặt trung tâm dữ liệu ở những khu vực có điện rẻ hơn như miền Nam nước Mỹ. Điều này có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề tiêu thụ nước ở những khu vực khô hạn trên thế giới.
Các khoáng chất như lithium và coban rất quan trọng với việc sản xuất pin để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu hay ngành công nghiệp. Quá trình khai thác những khoáng khoáng sản này thường liên quan đến việc sử dụng lượng nước đáng kể và có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước trên thế giới.
Một mỏ lithium ở sa mạc Atacama (Chile). Ảnh: Theo The Guardian. |
Mặt khác, khi những nguồn năng lượng trên được phân bổ cho lĩnh vực công nghệ có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng cho các nhu cầu thiết yếu như cung cấp điện dân dụng.
Chuyên gia kinh tế Mariana Mazzucato nhận định, sự phát triển của công nghệ mang đến cho nhân loại những thiết bị đo lường thông minh và năng lượng mặt trời hiệu quả. Song, điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến 'dấu chân' môi trường của nó.
"Trong thời đại mà chúng ta mong đợi các doanh nghiệp làm nhiều hơn là việc đơn thuần tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông của mình, chính phủ các nước cần có những cơ chế đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp mà họ tài trợ và hợp tác, dựa trên việc liệu hành động của các tổ chức, doanh nghiệp đó có tác động đến hành tinh này không," bà Mariana Mazzucato nói.
Với sự giao thoa giữa tiến bộ công nghệ và tính bền vững môi trường, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên điều cấp thiết là, để có một cái nhìn hệ thống và toàn diện, các chính phủ cần xây dựng năng lực lập kế hoạch và thực thi cần thiết.
Bà Mariana Mazzucato kiến nghị, chính phủ các nước cần xây dựng chính sách chú trọng vào việc chọn các công ty đi đúng hướng, thay vì chọn các lĩnh vực hoặc công nghệ tiên tiến nhất.
Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân cần công khai các hoạt động và tác động môi trường, trở thành điều kiện cần để được các chính phủ hỗ trợ là phải đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn. Các biện pháp tương tự có thể thúc đẩy trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu.