Các nước Mỹ Latinh có nền kinh tế phát triển năng động, đang dần trở thành thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới và trong đó có Việt Nam. Ở chiều ngược lại Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp Mỹ Latinh ngày càng quan tâm. Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia với tổng kim ngạch hai chiều tăng hơn 63 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên tới 15,6 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,3 tỷ USD.
Việt Nam đang mong muốn nâng cao giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực này, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 USD vào năm 2025 và thu hút khoảng 12 đến 13 tỷ vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khoảng cách địa lý, chưa có tuyến đường vận chuyển thẳng từ Việt Nam tới các nước Mỹ Latinh cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến chi phí logistics tăng cao. Ngoài ra hoạt động sản xuất bị trì trệ cũng gây ra khó khăn cho hoạt động thương mại của cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương, giải đáp các vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh, đại diện các nước Mỹ Latinh tại việt Nam, các doanh nghiệp tại các nước Mỹ Latinh và các chuyên gia tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh ngày 9/12.
Trao đổi tại Diễn đàn, Phó giáo sư - Tiến sĩ Cù Chí Lợi, chuyên gia về châu Mỹ cho biết, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện các nước đang có tốc độ hồi phục kinh tế rất nhanh. Với tỉ lệ bao phủ vaccine lên tới 60-65%, các nước Mỹ Latinh đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục bình thường các hoạt động xã hội. Đặc biệt, các nước này đã triển khai đón khách du lịch tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Do đó các nước Mỹ Latinh đang có sự phục hồi ấn tượng với 6% tăng trưởng từ đáy vực sau COVID-19. Dự kiến đến năm 2024-2025, các nước này sẽ khôi phục lại mức độ như trước đại dịch. Một điểm hấp dẫn khác của Việt Nam đối với khu vực này là trong quá trình hồi phục sau đại dịch, các nước Mỹ Latinh đã tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường này.
Phó giáo sư tiến sĩ Cù Chí Lợi, chuyên gia về châu Mỹ |
Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Tatiana Clouthier - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico, Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) năm 2021 cho biết, Mexico là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trong các nước Mỹ Latinh. Quốc gia này đang hoan nghênh Việt Nam hợp tác trong việc liên kết các trung tâm sản xuất, tạo chuỗi giá trị trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Mexico khuyến khích Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất công nghiệp như lắp ráp ô tô, công nghệ hàng không, vũ trụ,…
Đồng thời, Mexico cũng có thế mạnh về các mặt hàng máy móc điện tử, thiết bị quang học, đo lường, kiểm soát y tế và các loại dụng cụ, thiết bị phẫu thuật, các loại tinh dầu, nguyên liệu sản xuất nước hoa.
Bên cạnh đó, hiệp định CPTPP cũng đã tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường Mexico và một quốc gia Mỹ Latinh khác là Chile trong 3 năm qua. Hiệp định này đã tạo sự tăng trưởng mạnh đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như điện thoại, các phương tiện vận tải, phụ tùng, giày dép, túi xách, vali,…
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện trị giá C/O được cấp sang Mexico đã đạt 1,4 tỷ USD trên tổng số 3,8 tỷ USD hàng hóa xuất sang Mexico trong vòng 10 tháng năm 2021. Tuy nhiên, bà cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của cả doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, dài hơi.
Theo ông Pedro Diaz, đại diện công ty phân phối mặt hàng bán lẻ Gastro Products của Mexico, thị trường này đang có nhu cầu nhập quả bơ, cam quýt cùng những mặt hàng hoa quả, thực phẩm khác của Việt Nam. Tuy nhiên, do vấn đề vận chuyển còn khó khăn, ông Diaz cho biết các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng bảo quản hàng để đạt được hiệu quả tốt nhất khi được bày bán trong siêu thị.
Cũng theo ông Diaz, Việt Nam và Mexico có lợi thế về mặt nông sản bù trừ lẫn nhau, và Việt Nam có khả năng đóng gói tốt nên các loại nông sản, thực phẩm như rau quả, các loại hạt tiêu, hạt điều và thực phẩm chế biến rất được ưa chuộng trên các kệ hàng tại Mexico. Ngoài ra, Mexico có thể trở thành cửa ngõ để mặt hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.
Về thị trường Chile, theo Đại sứ Chile tại Việt Nam Patricio Becker, đây là quốc gia đầu tiên kí kết FTA với Việt Nam từ năm 2014 và kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam tại đây là đồng, các sản phẩm hóa chất, đồ gỗ, nội thất, điện thoại di động, da giày, xe điện. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa có sự bứt phá tại thị trường này trong những năm gần đây.
Giải thích thêm về nhu cầu của Chile, ông Vicente Pinto, đại diện Cơ quan đầu tư Chile cho biết nước này đang hướng đến sản xuất xanh, bền vững nên các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường sẽ được khuyến khích và ưa chuộng tại các quầy hàng của Chile.
Bên cạnh đó, nhằm giảm lượng phát thải khí carbon về 0 theo cam kết tại COP26, Chile đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện, vì vậy, các loại xe điện tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhập khẩu vào Chile. Đồng thời Chile cũng có mong muốn được hợp tác với các tập đoàn lớn của Việt Nam trong vấn đề này để có những giải pháp lắp ráp, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống phương tiện chạy điện trong tương lai.
Ông Orlando Nicolás Hernández Guillén, Đại sứ Cuba tại Việt Nam. |
Một thị trường quen thuộc khác của Việt Nam trong khu vực là Cuba cũng đang có nhiều tiềm năng. Ông Orlando Nicolás Hernández Guillén, Đại sứ Cuba tại Việt Nam cho biết nước này rất hoan nghênh hợp tác đầu tư từ Việt Nam do có nền tảng quan hệ song phương gần gũi. Đại sứ cho biết Cuba có nhu cầu nhập khẩu cả sản phẩm nông sản, đặc biệt là gạo, và cả công nghệ trồng trọt, canh tác nông nghiệp từ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi tự chủ về lương thực của nước này.
Đồng thời, Cuba có thế mạnh về nghiên cứu hóa chất, dược phẩm, đặc biệt là nghiên cứu vaccine và các loại thuốc đặc trị COVID-19. Nước này cũng đã và đang xuất khẩu các loại thuốc điều trị ung thư, viêm gan B và các loại thuốc, vaccine điều trị COVID-19 cho Việt Nam.
Việt Nam hiện có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với tổng số vốn lên đến hàng trăm triệu USD, như các dự án phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, các dự án ở Brazil. Ở chiều ngược lại, hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam, với 297 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác với một số nước trong khu vực, trong đó có Hiệp định thương mại tự do với Chile, đã đi vào hiệu lực từ năm 2014; tiếp theo đó là Hiệp định CPTPP, trong đó có 3 nước México, Chile và Peru là thành viên. Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi gần 3 năm qua đối với México, Chile và bắt đầu có hiệu lực tại Chile từ tháng 9 năm 2021. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.