Giao dịch sàn HoSE phiên 4/7. |
Đóng cửa phiên 4/7, chỉ số sàn HoSE tăng hơn 3 điểm lên mốc 1.278,89 điểm. HNX-Index và UPCoM lần lượt tăng 0,45 và 0,36 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với phiên hôm qua, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE. Bộ đôi VHM và VRE bị bán ròng mạnh nhất, mỗi mã hơn 100 tỷ đồng. Tiếp theo là VCB, HPG hơn 50 tỷ đồng; MWG 47 tỷ đồng, VPB 38 tỷ đồng, POW 30 tỷ đồng; DCM, DXG, VNM, VJC, HSG… 25-30 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, NLG được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 40 tỷ đồng. FPT tiếp tục được gom ròng trở lại sau nhiều phiên bị “xả”, giá trị hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng nhẹ ở các mã HDB, VND, PC1, KDH, BID…
VN30 tích cực hơn khi tăng hơn 5 điểm lên mốc 1.310,63 điểm. Đóng góp lớn nhất chính là FPT +3,7% và PLX +4,9%. GVR tăng hơn 1%, còn BID, HDB, MSN, TPB, VHM, VIC, VNM, VPB tăng nhẹ. Chiều giảm dẫn đầu là POW -2,3%, còn lại giảm nhẹ. GAS, STB, TCB, VJC đứng tham chiếu.
Với mức tăng trên, FPT đã trở lại vùng đỉnh gần 136.000 đồng/cp. Không chỉ cổ phiếu này, nhóm công nghệ viễn thông cũng đồng loạt trở lại đường đua sau giai đoạn bị chốt lời. CMG tăng 2,6%, SGT tăng 3,3%, VGI tăng 3,6%, ELC tăng 2,8%, VTP tăng 3,5%; FOX, FOC, CTR tăng nhẹ.
Nhóm có diễn biến vượt trội khác là dầu khí, với BSR tăng hơn 3%, OIL tăng gần 13%, PLX tăng gần 5%, PTV tăng 6,7%, PVB tăng hơn 2%; PVC và PVS tăng nhẹ. Với mức tăng mạnh, OIL trở về vùng giá 14.200 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 6/2022. Từ nửa cuối tháng 5 đến nay, mã đã tăng hơn 50%.
PV OIL vừa công bố doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 64.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 390 tỷ đồng, giảm 9%. Như vậy trong quý 2/2024, doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 34.376 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế ước đạt 91 tỷ đồng, giảm 64%.
Năm 2024, PV OIL đặt mục tiêu 83.000 tỷ đồng doanh thu và 592 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 20% và 5% so với thực hiện năm 2023.
Các nhóm ngành chủ chốt sau vài phiên hỗ trợ thị trường đã chững lại. Nhóm ngân hàng chủ yếu tăng, giảm trong biên độ hẹp; có hai mã nhỏ vẫn tăng tốt là LPB +3,8% và VBB +4,8%. Trong đó, LPB tiếp tục vươn lên mức đỉnh mới tại vùng giá 31.350 đồng/cp - tăng 55% so với giữa tháng 5/2024.
Nhóm chứng khoán có VND diễn biến tích cực với mức tăng 2,5%. Ngoài ra còn có VDS, HBS tăng hơn 2%; APS, BMS, CSI, TVS, SBS tăng hơn 1%. HCM, SHS, VCI tăng nhẹ. SSI, VIX ở chiều giảm nhưng tỷ lệ điều chỉnh cũng không đáng kể.
Nhóm xây dựng và bất động sản phân hóa. Chiều tăng đáng kể là REE +2%, TIG +2,7%, BCR +4,8%, VPI +2,3%, NTL +6%, DTD +2,4%, HDG +1%... VHM, TCH, VIC, DPG, KHG, KDH, THD… tăng nhẹ. Chiều giảm có LSG -3,3%, DIG -1,1%, DXG -1,9%, EVG -2,3%; VRE, PC1, KOS, KBC, PDR, CTD, VCG, BCM, HHV, NVL… giảm nhẹ; QCG giảm sàn.
Tại các nhóm ngành khác, một số cổ phiếu nhỏ khác thu hút dòng tiền tăng hết biên độ như CSV của nhóm hóa chất, TVN, TDS của nhóm thép, SAV của nhóm xuất khẩu…
TGĐ Guotai Junan: Trước cuối năm 2024, VN-Index có thể đạt mức 1.500 điểm |
Hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 7 |
Triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 |