Cổ phiếu của Vinamilk liệu đã hết thời bị ‘ghẻ lạnh’?

VNM VINAMILK
15:30 - 26/08/2022
Vinamilk vẫn duy trì vị thế dẫn đầu ngành sữa nội địa.
Vinamilk vẫn duy trì vị thế dẫn đầu ngành sữa nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một thời gian giảm giá miệt mài rồi ì ạch ở vùng 70.000 đồng/cp, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang ghi nhận sự phục hồi nhanh trong nửa tháng trở lại đây. Đáng chú ý là thanh khoản được cải thiện đáng kể cùng sự trợ lực từ khối ngoại.

Năm 2021, khi thị trường chứng khoán thăng hoa, VNM là một trong những cổ phiếu gây thất vọng nhất khi “một mình ngược lối”. Dù không có những phiên tăng mạnh nhưng suốt 1 năm dài, mã này bị bán miệt mài và đã rớt khỏi vùng giá 100.000 đồng.

Trong 1 tháng qua, khi thị trường hồi phục sau một đợt giảm sâu, rất may là VNM đã không còn lặp lại kịch bản như năm ngoái. Từ phiên 15/6 đến nay, mã đã tăng 25%, từ mức giá 62.000 đồng lên 77.000 đồng. Trong đó, nửa tháng gần đây ghi nhận dấu hiệu dòng tiền vào mạnh mẽ, giúp thoát khỏi vùng lình xình 70.000 đồng trước đó.

Không chỉ tăng giá mạnh, thanh khoản của VNM cũng có sự cải thiện với khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 1 tuần qua đạt 4,3 triệu cổ phiếu, gấp đôi con số trung bình trong những tuần trước đó. Đồng thời, khối ngoại đã quay trở lại rót tiền vào cổ phiếu này. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 9 triệu cổ phiếu trong 7 phiên liên tiếp với giá trị gần 700 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNM bật tăng mạnh trong nửa tháng trở lại đây.

Cổ phiếu VNM bật tăng mạnh trong nửa tháng trở lại đây.

Chuỗi hồi phục gần đây đưa cổ phiếu của Vinamilk lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE với 160.509 tỷ đồng, sau VCB, VHM, VIC, GAS, BID và NVL. Trước đó, cổ phiếu này từng ra khỏi nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu khi vốn hoá chỉ còn 130.000 tỷ đồng vì giá liên tục giảm.

Rủi ro đã phản ánh vào mức giá cổ phiếu giảm từ đầu năm 2021

Nhu cầu tiêu dùng hồi phục, xu hướng giá sữa bột giảm cộng thêm chu kỳ giảm lợi nhuận đã chạm đáy vào quý 2 được các nhóm phân tích dự báo là những yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu VNM trong ngắn hạn.

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, tăng trưởng doanh thu nội địa của Vinamilk sẽ phục hồi vào nửa cuối 2022 nhờ: Áp lực từ việc tăng giá bán sẽ giảm bớt khi các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đã quen với mức giá mới; xu hướng giảm của giá bột sữa nguyên kem giúp công ty duy trì giá bán ổn định trong thời gian tới; việc tăng chi phí đầu tư vào các chương trình khuyến mại bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, do tác động của việc tăng giá nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm và dự phóng chi phí bán hàng tăng khi công ty tăng cường các chương trình quảng cáo, khuyến mại, công ty chứng khoán hạ dự phóng doanh thu của VNM lần lượt xuống 1,2%/3,7% trong 2022/2023 (so với dự báo trước đó), phù hợp với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 đồng thời phản ánh sản lượng tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng.

VNDirect điều chỉnh dự phóng lợi nhuận VNM giai đoạn 2022-2023.
VNDirect điều chỉnh dự phóng lợi nhuận VNM giai đoạn 2022-2023.

Mặc dù vậy, VNDirect vẫn khuyến nghị khả quan với cổ phiếu VNM, do Vinamilk vẫn duy trì vị thế dẫn đầu ngành sữa nội địa nhờ thương hiệu mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp và đội ngũ quản lý hàng đầu. Giá nguyên liệu đầu vào tăng và biên lợi nhuận gộp liên tục giảm đã phản ánh vào mức giá cổ phiếu giảm kể từ đầu năm 2021.

Giá bột sữa nguyên kem đã đạt đỉnh trong quý 2/2022 và hạ nhiệt trong nửa cuối năm, trong khi công ty đã thực hiện 2 đợt tăng giá trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giá đầu vào giảm trong khi giá bán không đổi sẽ giúp VNM cải thiện biên lợi nhuận gộp hàng quý.

VNM hiện được giao dịch ở mức P/E là 16,4x, thấp hơn 18,4% so với bình quân 3 năm của VNM. Công ty cũng có mức cổ tức ổn định từ 4-5%/năm. Vì vậy, VNDirect cho rằng mức thị giá cổ phiếu gần đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM.

Biên lợi nhuận gộp của VNM và giá bột sữa nguyên kem từ Q1/20 đến Q2/22.
Biên lợi nhuận gộp của VNM và giá bột sữa nguyên kem từ Q1/20 đến Q2/22.

Chứng khoán SSI cũng điều chỉnh giảm dự báo về kết quả kinh doanh của VNM cho năm 2022 và 2023. Trong ước tính mới, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 11,6% vào năm 2022 trước khi tăng 11% trong năm tới. Năm 2023, tình hình có thể sẽ khả quan hơn, với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu đạt 7,8% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận tăng lên. Còn tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 có thể đạt 8,2%, trong khi lợi nhuận sau thuế đi ngang so với cùng kỳ.

Về cổ phiếu VNM, SSI cho rằng quý 2 có thể là mức đáy nếu xem xét đến mức độ sụt giảm lợi nhuận. Về ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể phản ứng tích cực với xu hướng sữa bột giảm giá. Đặc biệt, nhà đầu tư cần quan sát xem liệu tăng trưởng doanh thu thị trường nội địa những tháng tới của nửa cuối năm 2022 có tiếp tục khả quan như tháng 7 hay không.

Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4, bà Mai Kiều Liên (Tổng giám đốc Vinamilk) nhận định, có rất nhiều yếu tố tác động đến giá cổ phiếu. Ban lãnh đạo không có ý định mua cổ phiếu quỹ để cứu giá mà chỉ tập trung dẫn dắt công ty phát triển bền vững, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Năm nay Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 64.070 tỷ đồng và lãi trước thuế 12.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, công ty thu về 28.800 tỷ đồng doanh thu và lãi hơn 5.340 tỷ đồng, tức hoàn thành khoảng 45% kế hoạch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.