Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) ghi nhận doanh thu hoạt động 1.458 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính (FVTPL) đạt 810 tỷ đồng, giảm 15%; doanh thu nghiệp vụ môi giới đạt 182 tỷ đồng, giảm 10%.
Ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 299 tỷ đồng, tăng 9%; doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính và hoạt động khác đều tăng nhưng đóng góp không đáng kể.
Doanh thu giảm nhưng phần chi phí lại tăng tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 803 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ từ các tài sản FVTPL tăng 36% lên mức 538 tỷ đồng. Tính ra lãi thuần từ hoạt động tự doanh của VND trong quý 2/2024 đạt 272 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý 2/2023.
Phần chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản thu khó đòi, lỗ suy giảm các tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay cũng tăng vọt lên hơn 98 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ gần 2 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tự doanh cũng tăng hơn gấp đôi lên gần 20 tỷ đồng.
Bù lại, chi phí nghiệp vụ môi giới giảm 25%, ở mức 98 tỷ đồng. Phần chi phí tài chính với khoản chênh lệch lỗ tỷ giá giảm mạnh 63% so với cùng kỳ, ở mức 154 tỷ đồng.
Kết quả, công ty chứng khoán báo lãi sau thuế 345 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNDirect mang về 2.843 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2023; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 962 tỷ đồng - tăng 71%, nhờ hoạt động tự doanh hiệu quả trong quý 1.
Năm nay, VNDirect đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đi ngang ở mức 2.020 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 48% kế hoạch năm.
Tài thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của VNDirect ở mức 45.153 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng mạnh nhất là các tài sản FVTPL, đạt hơn 21.100 tỷ đồng - tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với cuối quý 1/2024. Các khoản cho vay cũng tăng hơn 1.000 tỷ đồng sau ba tháng, đạt hơn 11.200 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần 1.800 tỷ đồng so với đầu năm; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn) giảm 2.000 tỷ đồng, về mức 5.462 tỷ đồng.
Danh mục FVTPL của VND vẫn chủ yếu là trái phiếu (10.775 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm) và chứng chỉ tiền gửi (7.390 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng). Cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết chiếm 1.284 tỷ đồng, trong đó VPB là mã được công ty chứng khoán rót vốn nhiều nhất với giá gốc 458 tỷ đồng (tạm lỗ 44 tỷ đồng).
Hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn khác trong danh mục là HSG (giá gốc 367 tỷ đồng, tạm lãi 112 tỷ đồng - tương ứng mức lãi hơn 30%) và ACB (30 tỷ đồng, tạm lãi hơn 1 tỷ đồng). Trong quý 2 vừa qua, VND đã mua thêm VPB và HSG, đồng thời bán ra ACB.
Công ty còn có hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết, với hai mã chiếm tỷ trọng lớn là C4G 285 tỷ đồng (tạm lỗ 15 tỷ đồng), LTG 115 tỷ đồng (tạm lỗ 45 tỷ đồng).
Bà Phạm Minh Hương lý giải khoản đầu tư vào Trung Nam |
VNDirect thu về hơn 2.400 tỷ đồng từ cổ phiếu, vốn điều lệ vượt SSI |
Nóng cuộc đua giành vị trí 'ngôi vương' về vốn của các công ty chứng khoán |