'Có thể mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD cho thủy sản'

THỦY SẢN Việt nAM
11:12 - 27/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trước kết quả ngành thủy sản dự kiến đạt trong năm 2022 và tiềm năng phát triển trong những năm tới, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, Việt Nam có thể mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt mốc 20 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số. Tại các thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023 - Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" do Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Vietnambiz tổ chức ngày 26/11, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, dự kiến đến tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ vượt mốc 10 tỷ USD.

Cả năm 2022, lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ chạm mốc 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD, cá tra có thể đạt 2,5 tỷ USD và hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD. Riêng với sản phẩm cá ngừ, sau ba năm VASEP đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD trị giá xuất khẩu, năm nay cá ngừ Việt Nam có thể chạm tới mốc này.

Hiện nay, trong bức tranh xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam là thị trường cung ứng thủy sản lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Nauy). Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hiện nay phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển. Việt Nam có nhiều nhiều mô hình trong nuôi trồng thủy sản, mà các mô hình nuôi đó lại phù hợp với xu hướng kinh tế xanh của thế giới. Điều này đưa ra kỳ vọng tăng trưởng thị phần thủy sản của Việt Nam tại các nước phát triển trong thời gian tới.

Ảnh tác giả

“Chúng ta có thể mạnh dạn đưa ra mục tiêu 20 tỷ USD cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tương lai, dù không biết năm nào nhưng chắc chắn phấn đấu đưa đến kết quả này. Thị phần và nhu cầu của thế giới vẫn còn lớn, trong khi đó với khả năng về vấn đề phát triển thì Việt Nam vẫn có thể làm được”.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe

Trong số các thị trường chính, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với quy mô dân số chạm mức 1,4 tỷ người.

Theo ông Trương Đình Hòe, 10 tháng đầu năm 2022, dù áp dụng chính sách Zero Covid, Trung Quốc vẫn nhập khẩu thủy sản trên 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019. Điều này cho thấy nhu cầu của Trung Quốc đang gia tăng, chính vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư, chú trọng hơn vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc tiềm năng nhưng bên cạnh cơ hội là khó khăn, thách thức. Ví dụ tôm Việt Nam đang gặp cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ buộc Việt Nam cần phải tính lại bài toán xuất khẩu thủy sản trên cơ sở đưa sản phẩm giá trị gia tăng vào Trung Quốc mạnh hơn, từ đó thúc đẩy kim ngạch thủy sản tại thị trường tỷ dân này.

Ngành thủy sản đạt kết quả như hiện nay có sự góp phần không nhỏ từ yếu tố tham gia đông đảo và khả năng phục hồi sau đại dịch của các doanh nghiệp thủy sản.

Ngành thủy sản đạt kết quả như hiện nay có sự góp phần không nhỏ từ yếu tố tham gia đông đảo và khả năng phục hồi sau đại dịch của các doanh nghiệp thủy sản.

Theo ông Trương Đình Hòe, hiện nay ngành thủy sản của Việt Nam phát triển tương đối mạnh và nhanh với 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Chính sự đông đảo và khả năng xuất khẩu sau đại dịch của doanh nghiệp đã trở thành cơ sở để ngành thủy sản đạt được kết quả như hiện nay.

Ông cũng nhấn mạnh về những bài học rút ra trong thời kỳ đại dịch, trên cơ sở đó có những định hướng trong thời gian sắp tới. Trong đó nổi bật là sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chính phủ cần phải tiếp tục tiến hành nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn này.

Chính sự chủ động này đã giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19. Đồng thời, tính chủ động còn góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội trước biến động của thị trường. Bên cạnh đó là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường và tính bền vững khi tập trung cho sản xuất xanh, đáp ứng xu hướng nhập khẩu xanh của các thị trường phát triển mà thủy sản của Việt Nam có thị phần tương đối.

Đọc tiếp