Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: quochoi.vn |
Tham gia ý kiến tại Nghị trường ngày 30/10 xung quanh việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề cập tới mối tương quan giữa chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo và ý chí tự thân vươn lên của người dân.
Giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng trước những biến cố trong cuộc sống. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể tìm kiếm sinh kế để thoát nghèo...
"Điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý thức vươn lên", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.
Thực tế cho thấy, cũng có những trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Do đó Đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.
"Nỗ lực giải ngân vốn nhưng hiệu quả và thước đo đến được đúng đối tượng để tạo sự chuyển biến của một cá nhân, một gia đình, của một vùng hoặc thay đổi về nhận thức, tư duy rất khó khăn", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhìn nhận.
Nhìn về kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên |
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng phản ánh thực tế mà đại biểu Nghĩa đã đề cập. Theo đại biểu, tại một số địa phương, còn hiện tượng một số các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025.
Nguyên nhân do các xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
"Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, thực trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn, nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An |
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao ý nghĩa của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu đề nghị quan tâm đến cách làm và chú trọng chất lượng của các chương trình. Như vậy, người dân sẽ nhận thức được và sẽ không ai còn "muốn nghèo" nữa.
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.