Theo Guardian trích dẫn Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins ngày 14/2, “bão Gabrielle là sự kiện thời tiết nghiêm trọng nhất mà New Zealand từng chứng kiến trong thế kỷ này”. Ông cho biết mức độ nghiêm trọng và thiệt hại mà cơn bão này gây ra là chưa từng xảy ra do nó diễn ra trên một phạm vi vô cùng lớn và rộng. Do đó, New Zealand đã ban bố tình trạng khẩn cấp để giúp chính phủ thuận lợi gửi các nguồn lực trên toàn quốc tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Khi bão Gabrielle đổ bộ đất liền, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất toàn quốc bao gồm khu vực xung quanh bờ biển phía đông và xa về phía bắc của Đảo Bắc. Tại một số nơi như vùng ven biển Gisborne/Tairāwhiti, một phần Vịnh Hawkes và Northland thậm chí còn mất điện hoàn toàn và không có bất kỳ mạng di động hoặc đường giao thông nào sử dụng được.
Các nhà thầu đóng các con đường bị ngập lụt ở Taradale, Napier, New Zealand. Ảnh: Getty Images |
Nước lũ dâng cao bao phủ nhiều ngôi nhà ở khu vực Vịnh Hawkes, buộc người dân phải trèo lên mái nhà tìm nơi trú ẩn. Tại Hastings, nước lũ buộc một số người phải trú ẩn trên mái nhà trong khi đó tại bờ biển phía tây của Auckland cũng diễn ra lở đất, khiến nhà cửa bị cuốn trôi và đường giao thông bị tắc nghẽn.
Guardian trích dẫn lời bà Adrianne Mason, một cư dân tại Thung lũng Esk ở Vịnh Hawkes cho biết bà và con gái 22 tuổi của mình buộc phải trèo ra khỏi cửa sổ phòng ngủ vào lúc nửa đêm và bơi đến nơi an toàn khi nước lũ dâng cao. Dù gia đình bà cùng những người hàng xóm đã trốn thoát tới những nơi cao hơn, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tới do nước lũ đã khiến toàn bộ các con đường giao thông không thể sử dụng được.
Một ngôi nhà bị bão Gabrielle tàn phá ở Titirangi, ngoại ô khu vực Tây Auckland của New Zealand. Ảnh: Getty Images |
Mặt khác ở Northland, một nông dân ở Vịnh Tolaga mang tên Bridget Parker đã mô tả lại khung cảnh tàn phá kinh hoàng khi nước lũ cuốn theo những khúc gỗ nặng 300kg nối tiếp nhau từ khu rừng phía trên. Ông cho biết mình cũng những người nông dân khác đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nhưng không ai lường được tình huống sẽ tồi tệ như thế này khi trang trại và nhà cửa của mình bị phá hủy hoàn toàn.
Bộ trưởng năng lượng Megan Woods cho biết đến chiều 14/2, 225.000 người trên khắp khu vực North Island đang chịu tình trạng mất điện và điện có khả năng sẽ không được khôi phục lại trong ít nhất vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần tới.
Trong khi thiệt hại vẫn đang gia tăng mỗi giờ, công tác sơ tán và giải cứu người dân lại đang tiến triển vô cùng chậm chạp. Tính tới chiều 14/2, các quan chức quốc gia này cho biết đã có khoảng 2.500 người phải di dời và con số cuối cùng vẫn chưa được chốt do vẫn còn rất nhiều khu vực rộng lớn khác trên New Zealand chính phủ không thể tiếp cận được.
Đầu giờ sáng ngày 14/2, Cơ quan Cứu hỏa và Khẩn cấp New Zealand cho biết đã mất mọi liên lạc với các nhân viên cứu hộ trên mặt đất trong khi các nhân viên Phòng vệ Dân sự đang liên lạc qua điện thoại vệ tinh. Theo Guardian, một lính cứu hỏa đang trong tình trạng nguy kịch và một người khác vẫn đang mất tích sau khi một trận lở đất phá hủy ngôi nhà mà các nhân viên này đang kiểm tra ở Muriwai, phía tây Auckland.
Lở đất tại Titirangi, Tây Auckland, New Zealand do bão. Ảnh: AFP |
Theo Bộ trưởng Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Kieran McAnulty, các nhân viên cứu hộ đang phải vật lộn để tiếp cận một số khu vực tại North Island trong bối cảnh mặt đất không ổn định, nước lũ dâng cao, đường giao thông tắc nghẽn và các phương tiện giao thông như máy bay trực thăng lại không thể sử dụng được do thời tiết khắc nghiệt.
Trước mắt, chính phủ New Zealand khuyến cáo người dân chăm sóc lẫn nhau, cả gia đình lẫn hàng xóm láng giềng của mình. Đồng thời, sự an toàn cũng được coi là mục tiêu hàng đầu khi các nhà chức trách cảnh báo mọi người nên chủ động sơ tán trước tới nơi an toàn thay vì chờ đợi cứu hộ khẩn cấp.
Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia Roger Ball cũng cho biết chính phủ đang quan sát tình hình thay đổi từng phút để tiến hành các cuộc sơ tán.
Người dân Huapai, tây bắc Auckland bị kẹt trong nhà của mình khi bão Gabrielle đổ bộ mang theo lũ lụt. Ảnh: Getty Images |