Cộng hòa Séc, thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam

XNK Việt - Séc
10:45 - 24/12/2021
Cộng hòa Séc, thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00

Trong năm 2020, nhập khẩu hàng nông sản của Cộng hòa Séc lên tới 9,39 tỷ Euro, tương ứng với 6% giá trị nhập khẩu. Thông tin này vừa được chia sẻ tại hội thảo “Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021” tổ chức mới đây.

Với dân số hơn 410 triệu người, tổng GDP gần 3337 tỷ USD đã khiến khu vực Á – Âu trở thành là thị trường rộng lớn, với nhiều tiềm năng. Đây là các thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Thông tin này đã được làm rõ qua hội thảo “Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021” do Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) vừa tổ chức .

Cũng tại hội thảo này, các đại biểu nhận định hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Séc sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thương mại xuất nhập khẩu giữa 2 nước, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Séc mặt hàng tiêu dùng và các mặt hàng công nghiệp như hàng dệt may; cao su; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác. Ở chiều ngược lại, Séc xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm về sắt thép; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác và hóa chất

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Séc đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2019. Trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Cộng hòa Séc đạt 523,7 triệu USD. Tuy nhiên, con số này có thể còn tăng thêm nữa trong tương lai.

Theo nhận định của Tiến sĩ Hoa Hữu Cường, Viện nghiên cứu châu Âu, Séc là thị trường tiềm năng trong kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Với dân số hơn 10 triệu dân nhưng sức mua bình quân của người tiêu dùng Séc lại rất lớn, với bình quân một người là 10.831 USD (tương ứng 9.179 Euro). Thị trường này được đánh giá là khu vực có sức mua lớn nhất ở khu vực Trung và Đông Âu (CEE).

Ông Cường cho biết thêm: “Cộng hòa Séc luôn là nước nhập siêu về nông sản. Trong năm 2020, nhập khẩu hàng nông sản của Séc lên tới 9,39 tỷ Euro, tương ứng với 6% giá trị nhập khẩu hàng hóa của quốc gia này. Nông sản nhập chủ yếu là thủy sản, trái cây…”

TS. Hoa Hữu Cường, Viện nghiên cứu châu Âu.

TS. Hoa Hữu Cường, Viện nghiên cứu châu Âu.

Người tiêu dùng tại Séc đang ngày quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm ít chất béo như rau củ, trái cây, gạo, thủy sản, gia cầm, bánh mì…

Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt khi mà Việt Nam vốn là thị trường xuất siêu hàng nông sản.Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, hàng rau quả đạt 3,2 tỷ USD, hạt điều đạt 3,3 tỷ USD, gạo đạt 3 tỷ USD…

Mặt khác, chính phủ Séc đang có xu hướng tìm kiếm các đối tác ngoài Liên minh châu Âu (EU), mở rộng thị trường nhập khẩu. Hiện nay, có tới 92% nông sản nhập khẩu của Séc có nguồn gốc từ EU. Trong tương lai dài hạn, việc phụ thuộc quá mức sẽ khiến mặt hàng nông sản sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường Séc.

Với ưu thế về hàng nông sản, nếu như doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội, đáp ứng các yêu cầu của EU, tiến vào thị trường đầy tiềm năng như Séc thì kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cho rằng: “Các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu vào Séc không cần đẩy cũng sẽ tăng trưởng rất nhanh”. Bà Thủy cho biết thêm, doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Séc sẽ có rất nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường khác thuộc EU.

Lý giải về điều này, bà Thủy cho rằng do Séc có vị trí chiến lược quan trọng ở châu Âu, thuận lợi cho giao thương từ với các nước trong khối EU. Bên cạnh đó, Séc được coi là “con đường tơ lụa” của châu Âu khi phần lớn các mặt hàng cà phê, rau củ quả nhập khẩu sẽ đi qua Séc để vào châu Âu. Tiếp cận thành công thị trường này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt có “bàn đạp” để tiến tới các thị trường lân cận.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang Séc sẽ được hưởng ưu đãi về dòng thuế. Séc là thành viên thuộc EU nên mọi quy định về thuế quan, các chính sách của EU đều sẽ được thực hiện tại Séc. Hiệp định EVFTA được ký kết đã thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa 2 nước. Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Séc ở Đông Nam Á và là đối tác thứ 13 trên thế giới.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Séc – Việt diễn ra vào tháng 09/2021 tại thành phố Brno, Công hòa Séc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Alena Schillerova cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa 2 nước lên ít nhất 50%.

Theo Hiệp định EVFTA, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Séc sẽ được xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam sẽ được tăng lên. Trong tương lai, sau 7 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU và Séc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu 99,2% số dòng thuế đối với Việt Nam.

Mặt khác, hàng hóa Séc vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ 48,5% số dòng thuế, giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ và khơi thông dòng chảy mới về thương mại.

Quốc hội Séc cũng đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA). Với hiệp định này, Việt Nam và Séc sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng.

Đồng thời, hai bên cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.