Trung Quốc đang ghi nhận sự phát triển bùng nổ về năng lượng tái tạo. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Guardian trích dẫn báo cáo của GEM, Trung Quốc hiện đang có 180 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời và 15GW công suất năng lượng gió đang được xây dựng. Các con số này nâng tổng công suất năng lượng gió và mặt trời đang được xây dựng tại quốc gia này lên ngưỡng 339GW, vượt xa con số 40GW đang được xây dựng ở Mỹ và cao hơn gấp đôi so với thế giới cộng lại.
Các nhà nghiên cứu chỉ xem xét các trang trại năng lượng mặt trời có công suất từ 20MW trở lên – quy mô có thể cung cấp trực tiếp vào lưới điện. Điều này đồng nghĩa với việc tổng sản lượng điện mặt trời ở Trung Quốc có thể cao hơn nhiều, do các trang trại năng lượng mặt trời quy mô nhỏ chiếm khoảng 40% công suất năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho biết công suất năng lượng mặt trời mà Trung Quốc lắp đặt trong khoảng thời gian từ tháng 3/20223 đến tháng 3/2024 cao hơn so với công suất nước này lắp đặt 3 năm trước đó cộng lại. Con số này đồng thời cao hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại trong năm 2023. Hiện quốc gia này đang trên đà đạt được 1.200GW công suất điện gió và mặt trời được lắp đặt vào cuối năm 2024, sớm hơn 6 năm so với mục tiêu đề ra của chính phủ.
Ngoài ra, báo cáo của GEM cũng nhấn mạnh vào vai trò dẫn đầu của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo theo kế hoạch. 339GW công suất năng lượng gió và mặt trời đã đến giai đoạn xây dựng tại Trung Quốc chiếm 1/3 số dự án đề xuất tại quốc gia này và vượt xa tỷ lệ trung bình của thế giới là 7%.
Các con số trên thể hiện vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong việc sản xuất năng lượng tái tạo. Báo cáo nhận định: “Làn sóng xây dựng không suy giảm đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu về lắp đặt năng lượng gió và mặt trời trong tương lai gần, vượt xa phần còn lại của thế giới”.
Trung Quốc đang trải qua thời kỳ bùng nổ về năng lượng tái tạo trong những năm gần đây nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của “lực lượng sản xuất mới chất lượng cao”, trong đó bao gồm việc tăng cường sản xuất xanh, trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang công nghệ và đổi mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn cần xây dựng nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn nếu mong muốn đạt được mục tiêu giảm 18% cường độ carbon của nền kinh tế - một yếu tố quan trọng quyết định việc giảm lượng khí thải. Cường độ carbon là thuật ngữ chỉ số gam CO2 được giải phóng để tạo ra một kilowatt giờ điện.
Các dự đoán nhận định Trung Quốc sẽ cần lắp đặt từ 1.600GW đến 1.800GW năng lượng gió và mặt trời vào năm 2030 để đáp ứng mục tiêu sản xuất 25% tổng năng lượng từ các nguồn phi hóa thạch. Ngoài ra để đạt được mục tiêu khí hậu, Trung Quốc cũng cần cắt giảm dần công suất điện than cũng như việc phê duyệt các dự án điện than mới.
Theo hãng tin Guardian, các báo cáo trước đây của GEM và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn, cho thấy số lượng các nhà máy điện than mới được phê duyệt tại Trung Quốc tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2022 - 2023, so với giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 trước đó. Tăng trưởng tổng lượng tiêu thụ than cũng tăng từ mức trung bình 0,5%/năm trong khoảng thời gian 2016 - 2020 lên ngưỡng 3,8%/năm trong khoảng thời gian 2022 – 2023.