![]() |
Chính sách của Trip.com được coi như đầu tiên trong số các công ty tư nhân Trung Quốc nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ảnh: Reuters |
Trip.com là một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới với khoảng 400 triệu người dùng. Trong một tuyên bố ngày 30/6, công ty cho biết sẽ trả cho mỗi nhân viên một khoản tiền trị giá 6.800 USD (50.000 NDT) đối với mỗi đứa trẻ được sinh ra trong vòng 5 năm. Điều này có nghĩa là với mỗi năm, công ty sẽ chi trả khoản trợ cấp tiền mặt 1.377 USD (10.000 NDT).
Chính sách này sẽ tiêu tốn tổng cộng 1 tỷ NDT, tương đương 137,7 triệu USD. Reuters trích dẫn chủ tịch điều hành Trip.com James Liang cho biết: “Tôi luôn đề nghị chính phủ cấp tiền cho các gia đình có con, đặc biệt là nhiều con, để giúp nhiều người trẻ thực hiện mong muốn có nhiều con của họ”. Ông khẳng định các công ty “cũng có thể đóng một vai trò trong khả năng của mình để xây dựng một bầu không khí sinh sản thuận lợi”.
Ngoài việc điều hành công ty, ông Liang còn là một nhà nhân khẩu học. Ông đã xuất bản cuốn sách có tựa đề "Chiến lược dân số: Dân số ảnh hưởng đến kinh tế và đổi mới như thế nào trong năm nay" và là người đưa ra lời khuyên Trung Quốc nên dành 2% tổng sản phẩm quốc nội cho việc khuyến khích sinh sản.
Động thái của Trip.com có thể coi như hành động đầu tiên nhằm mục đích thúc đẩy tỷ lệ sinh sản của một công ty tư nhân Trung Quốc trong bối cảnh nước này ghi nhận dân số suy giảm lần đầu tiên trong năm 2022.
Cụ thể, số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/1 cho thấy dân số nước này trong năm 2022 giảm 850.000 người do tỷ lệ sinh giảm trong khi tỷ lệ tử vong tăng. Con số này đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên sau 6 thập kỷ và có khả năng cao đe dọa tới tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm từ mức 7,52 vào năm 2021 và đánh dấu tỷ lệ thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1949. Các bà mẹ Trung Quốc do đó chỉ sinh 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2022, giảm 9,98% so với 10,62 triệu trẻ sơ sinh năm 2021.
Ngược lại, tỷ lệ tử vong tại Trung Quốc lại tăng cao lên mức 7,37 trên 1.000 người vào năm ngoái. Số người từ 65 tuổi trở lên trong năm 2022 là 209,78 triệu người, chiếm 14,9% dân số so với mức 14,2% của năm 2021. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 tuổi – ở mức 875,56 triệu vào cuối năm 2022, chiếm 62% dân số, giảm so với mức 62,5% của một năm trước đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh tự nhiên suy giảm tại Trung Quốc. Trong đó, các nguyên nhân quan trọng nhất là chi phí nuôi con cao, tư tưởng thay đổi của thế hệ mới về gia đình và hôn nhân cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, chính phủ quốc gia này đã đề ra nhiều chính sách cả ở cấp trung ương và địa phương với mục tiêu đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.
Trong năm 2021, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về sinh đẻ để cho phép các cặp vợ chồng có tới 3 con hoặc hơn mà không phải chịu phạt – một sự thay đổi rất lớn từ chính sách một con ngày trước. Người dân cũng đã nhận được nhiều lợi ích hơn, ví dụ như trợ giúp tiền mặt, giảm giá nhà ở, chi phí giáo dục, nhiều ngày nghỉ hơn, và nhiều phúc lợi an sinh xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, phần lớn gặp thất bại trong việc tạo ra thay đổi đáng kể hay khuyến khích người dân lập gia đình cũng như sinh con. Hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa rõ ràng trong khi các cuộc khảo sát về thai sản trên toàn quốc đã chỉ ra rằng các biện pháp khuyến khích vẫn chưa đủ.