Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, sáng ngày 30/9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngành công nghiệp của Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng.
Không những vậy, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
“Lợi thế về vị trí địa lý gần gũi và việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP đã giúp cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần gũi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của hai nước,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp
Đề ra phương hướng để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả bản thoả thuận mới ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, hai bên cần thúc đẩy hợp tác với một số tập đoàn/doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xe thương mại phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, theo Bộ trưởng, ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh trong ngành chế biến thực phẩm. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của Việt Nam.
“Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án khai thác chế biến khoáng sản có yêu cầu công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường và có thị trường tiêu thụ sản phẩm,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế chính sách cấp trung ương và địa phương về phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp FDI Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài; chia sẻ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ cán bộ, chuyên gia của Việt Nam trong quản lý và phát triển các ngành công nghiệp.
“Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí, công nghiệp chế tạo... và cả những lĩnh vực năng lượng mới. Vì vậy, rất mong Bộ trưởng Kim Tráng Long quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên”. |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Hoan nghênh đoàn công tác phía Việt Nam, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long đánh giá cao Bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết giữa hai Bộ trong tháng 8/2024 vừa qua, hai bên có thể thiết lập những cơ chế hợp tác, trao đổi thường xuyên để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp phát triển hơn nữa.
Đưa ra những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Kim Tráng Long cho biết, doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm như vật liệu thô, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện, phối hợp phát triển hệ thống các khu công nghiệp...
“Hiện nay nhiều hãng ô tô lớn tại Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, dựa trên nhu cầu của mỗi nước,” Bộ trường Kim Tráng Long thông tin và đề nghị phía Việt Nam cũng dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc những cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển.
Liên quan đến đề xuất hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Kim Tráng Long khẳng định, đây là lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng. “Chúng tôi sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nghiên cứu, thực hiện các dự án hợp tác trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách pháp luật của hai nước,” Bộ trưởng Kim Tráng Long bày tỏ.
Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ
Đáng chú ý, trong buổi làm việc, Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng nhấn mạnh đến tiềm năng, không gian hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ.
“Trung Quốc đã có trạm không gian vũ trụ của riêng mình, do Trung Quốc tự chủ. Vừa rồi, Thái Lan cũng đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ là một thành viên trong đó. Phía Trung Quốc cũng sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không" |
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long |
Cảm ơn những chia sẻ từ phía Bộ trưởng Kim Tráng Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những lĩnh vực hợp tác phía Trung Quốc đưa ra đều là những lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt trong hợp tác hàng không vũ trụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng hoan nghênh phía Trung Quốc ưu tiên hợp tác phát triển lĩnh vực công nghiệp với các nước láng giềng, gần gũi, trong đó có Việt Nam để cùng nhau phát triển theo triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong nhiệm vụ chức năng và quyền hạn, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hết sức tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được ký kết và buổi làm việc hôm nay, hai cơ quan sẽ có những hoạt động hợp tác tích cực, hiệu quả trong tương lai, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được.