UAE – nước đăng cai tổ chức hội nghị năm nay – cam kết đóng góp 100 triệu USD cho quỹ. Ảnh: AFP |
Việc cung cấp tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương, đặc biệt là bởi các quốc gia phát triển chịu phần lớn trách nhiệm cho việc phát thải khí nhà kính trong lịch sử, là tâm điểm trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như một vấn đề quan trọng được thảo luận tại COP28.
Kể từ hội nghị COP27, các quốc gia tham gia đã đồng ý thiết lập một cơ chế cho việc này và các chi tiết cụ thể để cơ chế có thể vận hành đã được xây dựng trong suốt năm qua. Vài giờ sau lễ khai mạc hội nghị COP28 ngày 1/12, thỏa thuận được chính thức đưa ra.
Nikkei Asia dẫn lời Chủ tịch COP28 Ahmed al-Jaber cho biết: "Tôi chúc mừng các bên vì quyết định lịch sử này. Điều này gửi một tín hiệu tích cực về động lực đến thế giới và công việc của chúng tôi ở Dubai”.
Ông tuyên bố: “Yếu tố thành công quan trọng trong chương trình nghị sự về khí hậu là tài chính, và trong một thời gian dài, hỗ trợ về tài chính đã không hiệu quả, và không thể tiếp cận những quốc gia có nhu cầu”. Do đó, ông khẳng định UAE dưới tư cách chủ tịch COP28 cam kết giải phóng tài chính để đảm bảo rằng khu vực Nam bán cầu không phải lựa chọn giữa vấn đề phát triển và vấn đề khí hậu.
Trước mắt, UAE – nước đăng cai tổ chức hội nghị năm nay – cam kết đóng góp 100 triệu USD cho quỹ này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là khu vực phát thải lớn thứ hai trong lịch sử cam kết khoản tài trợ 246 triệu USD, với 100 triệu USD từ Đức.
Vương quốc Anh sẽ quyên góp 75 triệu USD. Về phía Mỹ - nước phát thải lớn nhất trong lịch sử, chỉ đưa ra cam kết trị giá 17,5 triệu USD, trong khi Nhật Bản cam kết 10 triệu USD. Những cam kết này đã nhận được sự hoanh nghênh nhưng cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều, ví dụ như từ ông Ani Dasgupta, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhóm phi lợi nhuận Viện Tài nguyên Thế giới.
Theo ông Dasgupta, các cam kết được coi là một dấu hiệu tích cực nhưng “thật đáng thất vọng khi Mỹ và Nhật Bản lại đóng góp quá ít“ với quy mô nền kinh tế của 2 quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia dễ bị tổn thương được dự đoán sẽ phải đối mặt với thiệt hại lên tới 580 tỷ USD liên quan đến khí hậu vào năm 2030.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết cam kết của quốc gia này là một khoản tiền “thích hợp” chỉ dành cho chi phí hoạt động để thành lập quỹ. Các quốc gia khác có khả năng đã đồng thời tài trợ cho các dự án tương lai thông qua quỹ này.
Các quốc gia đang phát triển cũng nhấn mạnh vào việc các nước phát triển cần duy trì cam kết tài trợ cùng các biện pháp khác để cắt giảm phát thải khí nhà kính. Nikkei Asia trích dẫn một đại biểu từ Philippines cho biết: “Khi chúng ta ăn mừng, hãy nhớ rằng mất mát và thiệt hại thường đến sau cùng”.
Một đại biểu đến từ đảo quốc Vanuatu cũng cho biết: “Chúng tôi mong muốn phát triển quỹ để đáp ứng những thách thức to lớn mà đất nước tôi và nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt trong thời đại khủng hoảng khí hậu”.