Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nguồn: BSR. |
Theo thông tin từ CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), ngày 21/8, công ty đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31.004 tỷ đồng.
BSR là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. BSR đã tổ chức IPO thành công vào tháng 1/2018 và cổ phiếu BSR được đưa vào giao dịch tại sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ tháng 3/2018.
Giai đoạn từ năm 2020 - 2023, BSR chưa thể niêm yết cổ phiếu tại HOSE do mới đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí, chỉ còn một tiêu chí không đáp ứng đó là về các khoản nợ quá hạn, liên quan đến công ty con là CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF).
Theo báo cáo tài chính của BSR, công ty đã tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ đối với các khoản công nợ nêu trên đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các rủi ro đối với tình hình tài chính của công ty. Tại ĐHĐCĐ năm 2024, BSR khẳng định đang đôn đốc hoàn thiện các thủ tục để nộp đơn phá sản BSR-BF tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời tích cực làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện các thủ tục cuối cùng nhằm mục tiêu đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại HoSE sớm nhất.
Dấu mốc quan trọng đối với BSR được ghi nhận khi ngày 15/8 vừa qua, BSR công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét, với thông tin ngày 27/5, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 01/2024 mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF, nên đã chấm dứt quyền kiểm soát của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn tại BSR-BF.
Theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF được chấm dứt hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của BSR từ ngày 27/5, đồng nghĩa với việc BSR đã giải quyết được tiêu chí còn thiếu là thanh toán các khoản nợ quá hạn, đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE.
Việc nỗ lực chuyển từ UPCoM sang HoSE của BSR được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu BSR, qua đó giúp công ty dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc “chuyển nhà” cũng giúp cổ phiếu BSR trở nên hấp dẫn hơn, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Với mức vốn hóa lên đến 74.700 tỷ đồng (xếp thứ 21 nếu đem so sánh với các công ty trên HoSE tại ngày 16/8/2024), khi được chấp thuận chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE, BSR sẽ trở thành một cổ phiếu Blue-chip và kỳ vọng lọt vào rổ VN30 trong tương lai không xa.
Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), BSR được dự báo sẽ tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm 2024 để bù đắp cho lượng sản phẩm đã bị hao hụt trong thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, vì thế doanh thu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, BSR cho biết đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.
BSR cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công Thương và Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện đề cương Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất với mục tiêu hoàn thành đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2024. Theo đề án, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ là hạt nhân của Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 55.118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.884 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 36% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn thời gian trong quý 2/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5).
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.178 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/8 vừa qua, BSR đã công bố quyết định của HĐQT về việc thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Theo đó, tỷ lệ thực hiện quyền là 7% (tương ứng chi trả 700 đồng trên mỗi cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 15/10 và thời gian thanh toán dự kiến vào 11/11.
Với hơn 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền dự chi cổ tức của BSR trong đợt này là 2.170 tỷ đồng, được trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2023. Hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm giữ đến 92,13% vốn, nên sẽ nhận về số tiền lớn nhất gần 2.000 tỷ đồng.