Mẫu xe điện Aito M5 của Huawei. Ảnh: Huawei |
Cùng với việc bảo vệ môi trường trở thành trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới, lời kêu gọi điện hóa phương tiện giao thông cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Khi các chính phủ đều thể hiện sự quyết tâm trong cắt giảm lượng phát thải carbon dioxide, xe điện đã trở thành một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Thị trường rộng mở đi kèm với sự ủng hộ của chính phủ và sự quan tâm của các nhà đầu tư đã khiến cho cuộc đua xe điện trên khắp thế giới trở nên khốc liệt. Ngoài các nhà sản xuất xe truyền thống và các startup xe điện nổi bật như Rivian, các tập đoàn công nghệ cũng đang thể hiện sự quan tâm lớn tới thị trường này.
Tuy nhiên, trên đường đua khốc liệt thì cũng có kẻ thành công và cũng có kẻ thất bại.
Hãng sản xuất máy hút bụi Dyson là một ví dụ của công ty đã thất bại. Với khoản đầu tư ban đầu trị giá 3,2 tỷ USD vào kế hoạch phát triển xe điện nhỏ và pin thể rắn, doanh nghiệp này đã phải hủy bỏ toàn bộ các dự định của mình. Sau 4 năm hoạt động với 532 nhân viên, tập đoàn này cho biết mình “đã rất cố gắng trong quá trình phát triển sản phẩm nhưng không tìm thấy cách nào để khiến dự án này khả thi về mặt thương mại”.
Dyson cũng cho biết thêm về những khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải trong việc tìm người mua cho dự án. Điều này lại không phải là điều bất ngờ với những chuyên gia trong ngành. Tuy thiết kế của xe điện đơn giản hơn, những quy trình để có thể đưa được nó từ nhà máy lên tham gia giao thông trên đường là vô cùng phức tạp.
Mẫu xe điện Nio ES6. Ảnh: Cnet |
Trong khi đó, dù Tesla hiện đang dẫn đầu thị trường cũng đang phải chật vật với việc tìm kiếm được lợi nhuận từ việc bán xe điện. Các startup xe điện lớn khác như Faraday Future và Nio còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên những thách thức và rủi ro này không cản bước được các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi và gã khổng lồ viễn thông Huawei tham gia vào thị trường xe điện đầy tiềm năng.
Tháng 3/2021, Xiaomi đã từng cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào việc phát triển xe điện trong 10 năm tới. Như một phần của cam kết này, đại diện Xiaomi cho biết hãng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy có công suất 300.000 xe điện mỗi năm tại Bắc Kinh hôm 25/11.
Ngoài việc xây dựng nhà máy sản xuất, tập đoàn này cũng sẽ xây dựng trụ sở cùng văn phòng kinh doanh và nghiên cứu cho mảng kinh doanh xe điện của mình tại Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Bắc Kinh. Theo Giám đốc Điều hành Lei Jun của Xiao Mi, nhà máy sẽ bắt đầu đạt được trạng thái sản xuất hàng loạt vào năm 2024.
Với động thái mua lại phần lớn cổ phần của Chongqing Jinkang New Energy Automobiles, Huawei cũng thể hiện rõ rằng mục tiêu cuối cùng của tập đoàn không phải chỉ là cung cấp hệ thống vận hành ô tô. Thay vào đó, mục tiêu cao hơn của hãng là sản xuất ra dòng xe điện mang tên thương hiệu của chính mình và cạnh tranh với Tesla tại thị trường nội địa.
Với mẫu xe Aito M5 mới nhất sử dụng cả điện và nhiên liệu, tập đoàn chuyên sản xuất các sản phẩm viễn thông và điện thoại thông minh muốn đánh bại mẫu xe Model Y của Tesla – mẫu xe phổ biến thứ hai tại thị trường Trung Quốc.
Theo ông Yu, Giám đốc điều hành của bộ phận giải pháp kinh doanh ô tô thông minh của Huawei, việc giao hàng cho mẫu xe này sẽ được bắt đầu từ 20/2 sau khi kì nghỉ Tết Âm lịch kết thúc.
Cũng tại Trung Quốc, gã khổng lồ Internet là Baidu đã sớm mở rộng tham vọng xe điện của mình bằng việc hợp tác với nhà sản xuất ô tô Geely vào đầu năm 2021. Tập đoàn khổng lồ Alibaba, vốn nổi tiếng về mảng thương mại điện tử, cũng hợp tác với SAIC Motor – nhà sản xuất ô tô được nhà nước hậu thuẫn nhằm phát triển mẫu xe điện cho riêng mình.
Về mặt hãng gọi xe Didi, tập đoàn này cũng đáp ứng lại lời kêu gọi cắt giảm phát thải khí nhà kính của Trung Quốc bằng cách hợp tác với BYD – hãng xe điện được tỉ phú Warren Buffett hậu thuẫn.
Taxi robot Apollo của Baidu. Ảnh: Baidu |
Tại Nhật Bản, thị trường vốn khá dè dặt với xu hướng xe điện, cũng bắt đầu có những bước tiến nhất định. Ngoài kế các kế hoạch dài hạn của các nhà sản xuất lớn như Toyota, Nissan hay Honda, tập đoàn công nghệ tiêu dùng Sony là cái tên tiếp theo tham gia vào thị trường xe điện với việc giới thiệu mẫu xe Vision-S tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES diễn ra tại Las Vegas gần đây.
Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh thành công nhất toàn cầu là Apple cũng không đứng ngoài cuộc đua. Với cái tên dự án Titan, Apple được dự đoán sẽ cho ra mắt mẫu xe hoàn toàn lái tự động Apple Car của mình vào năm 2025. Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, Apple Car được cho là sẽ trở thành một mẫu xe điện tối thượng và tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng trong ngành ô tô nói chung.
Hiện tại, trên thị trường xe điện Tesla vẫn là cái tên dẫn đầu trên đường đua với báo cáo giao hàng quý IV cho năm 2021 đạt mức kỷ lục 308.600 chiếc – cao hơn tới 70% cùng kỳ năm trước đó và hơn 30% so với kỷ lục bán hàng của quý III cùng năm. Trong năm 2021, cổ phiếu tăng mạnh cũng khiến hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD của các công ty đắt giá nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sự tham gia tích cực của các nhà sản xuất xe ô tô truyền thống vào mảng xe điện "đang phả hơi nóng vào gáy" Tesla. Volkswagen và gần đây nhất là Toyota đang triển khai những kế hoạch nhiều tỷ USD để tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường. Các nhà sản xuất khác như Ford, General Motors và Stellantis, thậm chí cả những nhà sản xuất xe cao cấp của Italia như Ferrari và Lamborghini đều đã có những động thái nhất định thể hiện sự quan tâm đến tương lai xe điện.