Hai năm qua, đại dịch đã bào mòn hoạt động của các hãng hàng không. |
“Dặm đường xa ta đang gặp phải bão táp mưa sa do SARS-CoV-2 gây ra”. Chúng ta đã có rất nhiều lần định mở lại, và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới. Ngày 8/11/2021, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế, đưa khách đến Việt Nam.
Ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã nhấn mạnh tại Toạ đàm “Cách nào mở lại đường bay quốc tế” do Báo Giao thông tổ chức ngày 10/11/2021.
Việc mở cửa trở lại sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới
Ông Cường cho biết, ngay từ tháng 7/2020, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu cụ thể, để đưa ra các điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.
Nghiên cứu này tập hợp trí tuệ của nhiều bộ, ngành, tham khảo học hỏi kinh nghiệm của các nước khác nhưng phải phù hợp với quan điểm của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng để phát triển kinh tế, phương châm chống dịch chuyển từ “be bờ đắp đập” zero Covid sang “thích nghi, sống chung với virus”.
“Về vận tải hàng không, Việt Nam không bị gián đoạn hoạt động vận chuyển, ở đây chỉ bàn thảo quá trình nối lại, quy định, tạo điều kiện cho khách từ nước ngoài vào Việt Nam.”
Việc mở cửa trở lại rất quan trọng để tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới rằng Việt Nam đã từng bước kiểm soát tốt được dịch bệnh và người dân có điều kiện đi lại thuận lợi hơn. Mỗi giai đoạn đều phải được chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đánh giá thực tiễn để có ứng xử phù hợp, tiến tới giai đoạn trở lại hoàn toàn như trước dịch.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng, hiện nay “thiên thời địa lợi” đủ yếu tố khách quan và chủ quan để cho rằng đây là thời điểm phù hợp mở lại đường bay quốc tế.
“Để mở lại đường bay quốc tế phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra. Chúng ta không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố", GS. Đạt nhận định.
Tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, về nền tảng y tế phòng và chống dịch, chúng ta đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển.
Với kinh nghiệm của đợt dịch bùng phát thứ 4, hệ thống y tế của nướ ta đã tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm. "Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục", GS. Đạt nhấn mạnh.
Ngành bị tác động mạnh nhất sẽ có sức bật nhanh nhất
Chia sẻ về quan điểm phục hồi kinh tế, GS. TS. Trần Thọ Đạt cho biết, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào kiểm soát dịch đến đâu. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch. Tuy nhiên, khác với sức bật của hàng không, du lịch phục hồi sẽ từ từ và thoải hơn.
Khi chúng ta kiểm soát tốt dịch, sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới, dòng vốn FDI trong thời gian qua vẫn tăng và sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Sự khôi phục chuỗi cung ứng đứt gãy trước đây sẽ được khắc phục. Tiếp đến, nhu cầu lao động xuất khẩu, trao đổi giáo dục đào tạo của Việt Nam với các nước khác gia tăng.
Hai năm qua, đại dịch đã bào mòn hoạt động của các hãng hàng không. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không cũng chỉ có giới hạn. Điều này cho thấy cần sớm lập lại đường bay quốc tế để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Việc khôi phục đường bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Việc này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, nếu tiếp tục duy trì đóng cửa trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị biến mất trên thị trường. Khi chúng ta mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm.
Xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chậm chân hơn trong khu vực của chúng ta như các nước Singapore, Thái Lan đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt phục vụ cho khách đi đến Thái Lan và Singapore.
Việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam sẽ thực hiện từng bước theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022: tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).
Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Điều kiện: Hành khách phải tiêm đủ liều vắc xin và thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng. Đối với hành khách chưa tiêm đủ liều vắc xin và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vắc xin”.
Thị trường mục tiêu: Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc. Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc xin cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay “combo”, chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Giai đoạn 2 từ quý II/2022: triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vắc xin.
Hành khách mang “hộ chiếu vắc xin” và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 - 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có hộ chiếu vắc xin cách ly tập trung 14 ngày.
Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không
Tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.
Giai đoạn 3 từ quý III/2022 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai.