Đặc sắc văn hóa truyền thống tại Liên hoan sắc màu thổ cẩm Kon Tum

văn hóa Kon Tum
09:01 - 07/02/2023
Hoạt động dệt thổ cẩm và trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống tại Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri. Ảnh: VGP
Hoạt động dệt thổ cẩm và trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống tại Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ 2 năm nay có sự tham dự của 38 nghệ nhân đến từ 7 xã và 3 phường của thành phố Kon Tum, nhằm trưng bày, giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum, chiều 6/2, UBND thành phố Kon Tum khai mạc Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ 2 và ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.

Tham gia Liên hoan có 38 nghệ nhân đến từ 7 xã và 3 phường của thành phố Kon Tum, với các hoạt động gồm tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức không gian thực hành dệt thổ cẩm; trình diễn trang phục thổ cẩm. Liên hoan diễn ra đến hết ngày 7/2, tại làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Ngay sau lễ khai mạc, du khách và người dân được chiêm ngưỡng phần trình diễn 7 trang phục gốc của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum, gồm Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Rơ Măm và H’rê. Cùng với đó là phần trình diễn trang phục thổ cẩm trong đời sống thường ngày và thời trang thổ cẩm cách điệu.

Liên hoan nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo môi trường giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các nghệ nhân, góp phần xây dựng môi trường du lịch cộng đồng đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Màn trình diễn các trang phục thổ cẩm từ truyền thống tới hiện đại tại Liên hoan.

Màn trình diễn các trang phục thổ cẩm từ truyền thống tới hiện đại tại Liên hoan.

Dệt thổ cẩm làm nên nét đẹp của trang phục truyền thống và ghi dấu bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi một tộc người. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm như là một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm. Những nữ nghệ nhân đã truyền hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, từng đường dệt, màu sắc, thổi vào đó cái hồn mang yếu tố tâm linh, huyền bí và cả ước muốn, sức sống của cộng đồng.

Đến với Liên hoan, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm với hoa văn đặc biệt của người Ba Na mà còn được chứng kiến tận mắt các nghệ nhân dệt thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm chất lượng, từ quần, áo, tới đồ phụ kiện và các sản phẩm quà lưu niệm.

Cũng tại chương trình, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa. Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 6 km, làng Kon Jơ Dri là 1 trong 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đăk Rơ Wa.

Là một trong những làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Ba Na nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon Jơ Dri có những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, không gian kết nối với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa.

Hiện nay, làng Kon Jơ Dri có khoảng 20% nhà sàn mang kiến trúc truyền thống của người Ba Na. Việc khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được người dân quan tâm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng. Làng Kon Jơ Dri đã thu hút không ít du Khách phương Tây chọn hình thức “du lịch homestay” để được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc Ba Na.

Với việc công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, thành phố Kon Tum có 3 làng du lịch cộng đồng là Kon Kơ Tu, Kon Jơ Dri, Kon Klor và 1 điểm du lịch cộng đồng A Biu ở xã Ngọc Bay.

Tin liên quan

Đọc tiếp