Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: quochoi.vn |
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng.
Từ kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, nữ đại biểu cho biết, thời gian qua nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng.
Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị.
Cũng đề cập đến các chính sách tài khóa, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khẳng định, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua.
Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất, bội chi thấp hơn dự toán, nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dự địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…
"Chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính sách tiền tệ cũng đồng bộ hiệu quả", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Bên cạnh những thành công đó, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.
Điển hình như thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc luỹ tiến, mức chiết trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả lạm phát... có nội dung đã lạc hậu cả chục năm.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại song cũng có không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn. Năm 2022 thu 390 nghìn tỷ đồng, hoàn 150 nghìn tỷ đồng (38%); năm 2023 ước thu 365 nghìn tỷ đồng, hoàn 160 nghìn tỷ đồng (44%); năm 2024 dự toán thu 390 nghìn tỷ đồng, hoàn 171 nghìn tỷ đồng (43%).
"Điều đáng nói, quy trình phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, thu rồi khấu trừ, thu rồi lại phải hoàn, chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn nhưng kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách", đại biểu Trần Văn Lâm nêu vấn đề.
Về vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đại biểu cho rằng, thời gian qua, vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách Trung ương được hưởng, liên tục đà suy giảm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.
Về bội chi, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ lưu ý vấn đề vốn đầu tư không thể giải ngân nên không thể thực hiện vay, nhất là nguồn vốn ODA, làm giảm bội chi, từ đó quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính đảm bảo hiệu quả thời gian tới.
Thông tin về kết quả hoàn thuế, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho hay, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế đã tiếp nhận 101.426 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đề nghị hoàn là 712.680 tỷ đồng; đã giải quyết hoàn thuế đối với 96.046 hồ sơ, tương ứng số tiền thuế đã hoàn là 646.205 tỷ đồng.
Tính trung bình hàng năm, số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chiếm khoảng 90% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn, trong đó, khoảng 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước.
Số trường hợp không được giải quyết hoàn mỗi năm (do không đáp ứng điều kiện) chiếm khoảng 3-5% số hồ sơ đề nghị hoàn và 5-7% số tiền đề nghị hoàn. Số chưa giải quyết xong chuyển tiếp sang năm sau chiếm khoảng 4-7% số hồ sơ đề nghị hoàn.
Tại thời điểm 31/6/2023, số hồ sơ tồn - vẫn đang trong quá trình giải quyết và chưa được hoàn là 1.839 hồ sơ, chiếm 17% số hồ sơ đề nghị hoàn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/8/2023 số hồ sơ tồn chỉ còn 647 hồ sơ, giảm khá mạnh so với con số 1.839 vào tháng 6/2023, đây chính là các trường hợp khó.