Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 25/5, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả Giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 43 cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.
Cũng theo đại biểu, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. "Tuy nhiên việc giảm thuế VAT cũng gặp vấn đề khi phân loại mặt hàng nào thuế VAT 8% và loại nào là 10%. Nếu được làm lại thì gói VAT nên giảm đồng loạt 8% thì sẽ tốt hơn", đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Ngoài thuế VAT, đại biểu Đồng cũng đánh giá cao chính sách giảm thuế xăng dầu của Chính phủ khi giá nhiên liệu tăng, từ đó giúp cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng linh hoạt trong việc gia hạn nộp thuế đến cuối năm 2024. Giải pháp này theo đại biểu là rất cần thiết, doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0%. Điều này có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.
Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể.
Cũng góp ý vào kết quả giám sát, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng.
Theo đại biểu Hải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn |
Nêu quan điểm trái ngược, đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất. Đại biểu cho rằng các gói hỗ trợ chỉ phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp, nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề rằng tình hình đã dần trở lại bình thường, liệu có nên tiếp tục hay không.
"Nếu nền kinh tế không hấp thụ được mà ta tìm mọi cách tiêu gói hỗ trợ 2% này thì biết đâu nảy sinh vấn đề nằm ngoài mong muốn, cần hết sức cân nhắc," đại biểu Huân nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: quochoi.vn |
Tương tự, với chính sách giảm thuế VAT 2%, theo đại biểu Huân, thực tế một số lĩnh vực được giảm "chưa chắc đã cần thiết", nhưng Nhà nước lại thất thu. "Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% để đảm bảo cân đối tài chính công," đại biểu Bình Dương nêu.