Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 10/2023 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), sản lượng sản xuất ure trong tháng đạt 84.130 tấn. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 37.220 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 24.820 tấn, xuất khẩu đạt 12.400 tấn. Sản lượng tiêu thụ tháng 10 thấp do vụ mùa Đông Xuân năm nay đến muộn so với năm trước (tháng 11/2023 mới vào vụ).
Sản lượng sản xuất NPK trong tháng đạt 21.790 tấn, sản lượng tiêu thụ NPK đạt 4.070 tấn.
Về tình hình thị trường phân bón ure trong tháng 10, theo Đạm Cà Mau, giá chào phân bón ure, DAP nhìn chung đều tiếp tục duy trì đà tăng từ 1-8% so với tháng 9.
Trong khi đó, trước tình hình lũ cao rút chậm tại các vùng đầu nguồn canh tác, vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lùi lại và dự kiến phải đến cuối tháng 11/2023 mới bắt đầu dẫn tới nhu cầu phân bón hiện tại trong nước vẫn còn yếu.
Ảnh: DCM |
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất ure của Đạm Cà Mau đạt 792.470 tấn. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 708.330 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 455.170 tấn. Doanh nghiệp xuất khẩu 253.160 tấn ure, tương ứng vượt kế hoạch cả năm 12,5% (kế hoạch xuất khẩu cả năm 2023 đạt 225.000 tấn).
Sản lượng sản xuất NPK đạt 112.200 tấn, sản lượng tiêu thụ là 88.340 tấn.
Trong tháng 11/2023, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 81.290 tấn ure, 22.000 tấn NPK; tiêu thụ 100.000 tấn ure và 35.000 tấn NPK.
Ở diễn biến liên quan, quý 3/2023 Đạm Cà Mau thu về 3.010 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn đạt 74,1 tỷ đồng, giảm 89%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế chỉ còn 616 tỷ đồng, giảm 81%
Năm 2023, Đạm Cà Mau đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 44% kế hoạch năm về lợi nhuận.
Cuối tháng 10 vừa qua, Đạm Cà Mau đã phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 20%/năm, đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2025. Tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính là nhóm sản phẩm ure và gốc ure, nhóm sản phẩm NPK và nhóm sản phẩm kinh doanh phục vụ thị trường.
Thị phần phân bón của doanh nghiệp toàn ngành phân bón ở Việt Nam đến năm 2025 đạt tối thiểu 11%, tương ứng khoảng 1,18 triệu tấn.
Đến năm 2025, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước lân cận và khu vực, cung cấp đa dạng các loại phân bón trên nền ure và NPK.