Dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống mức 800 triệu người năm 2100. Ảnh: Getty Images |
SCMP trích dẫn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/1 cho thấy, sự sụt giảm 850.000 người khiến tổng dân số nước này ở mức 1,4118 tỷ tính tới cuối năm 2022.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm từ mức 7,52 vào năm 2021 và đánh dấu tỷ lệ thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1949. Do đó, các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2022, giảm 9,98% so với 10,62 triệu trẻ sơ sinh năm 2021.
Ngược lại, tỷ lệ tử vong tại Trung Quốc lại tăng cao lên mức 7,37 trên 1.000 người vào năm ngoái, khiến tốc độ tăng trưởng quốc gia ở mức âm 0,6 trên 1000 người. Khi số ca sinh mới giảm và số người chết gia tăng, Trung Quốc có 280,04 triệu người trên 60 tuổi vào cuối năm 2022, tăng từ con số cũ 267,36 triệu người vào cuối năm 2021. Số người từ 65 tuổi trở lên trong năm 2022 là 209,78 triệu người, chiếm 14,9% dân số so với mức 14,2% của năm 2021.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 tuổi – ở mức 875,56 triệu vào cuối năm 2022, chiếm 62% dân số, giảm so với mức 62,5% của một năm trước đó.
Với sự suy giảm này, Liên Hợp Quốc dự đoán Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2023. Tổ chức này cũng đưa ra dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,313 tỷ vào năm 2050 và xuống mức dưới 800 triệu vào năm 2100.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh tự nhiên suy giảm tại Trung Quốc. Trong đó, các nguyên nhân quan trọng nhất là chi phí nuôi con cao, tư tưởng thay đổi của thế hệ mới về gia đình và hôn nhân cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, chính phủ quốc gia này đã đề ra nhiều chính sách cả ở cấp trung ương và địa phương với mục tiêu đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.
Trong năm 2021, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về sinh đẻ để cho phép các cặp vợ chồng có tới 3 con hoặc hơn mà không phải chịu phạt – một sự thay đổi rất lớn từ chính sách một con ngày trước. Người dân cũng đã nhận được nhiều lợi ích hơn, ví dụ như trợ giúp tiền mặt, giảm giá nhà ở, chi phí giáo dục, nhiều ngày nghỉ hơn, và nhiều phúc lợi an sinh xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, phần lớn gặp thất bại trong việc tạo ra thay đổi đáng kể và thành công khuyến khích người dân lập gia đình cũng như sinh con. Hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa rõ ràng trong khi các cuộc khảo sát về thai sản trên toàn quốc đã chỉ ra rằng các biện pháp khuyến khích vẫn chưa đủ.
Với dân số suy giảm mỗi năm, nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực trên diện rộng, đặc biệt trong việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Trong quá khứ, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Nhưng trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải vật lộn với lực lượng lao động bị thu hẹp, khả năng chi tiêu giảm và hệ thống lương hưu chịu nhiều áp lực.
Theo ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, Trung Quốc không thể dựa vào lợi thế dân số như một động lực cấu trúc cho tăng trưởng kinh tế nữa. Trong tương lai, nhân khẩu học ngược lại sẽ trở thành một thách thức và tăng trưởng kinh tế sẽ buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất, được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ.
SCMP trích dẫn nhà kinh tế học Trung Quốc Ren Zeping cho biết khi dân số Trung Quốc suy giảm, khoảng cách lương hưu sẽ tăng lên, tổng nguồn cung lao động tiếp tục giảm và chi phí lao động tăng. Trong bối cảnh đó, một số ngành sản xuất sẽ tiếp tục chuyển ra nước ngoài tới các khu vực năng động hơn với lợi thế nhân công như Đông Nam Á và Ấn Độ.